03/12/2019 - 18:57

Ông Trump đánh thuế đồng minh 

Hôm 2-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Brazil và Argentina.

Trên trang Twitter, ông Trump giải thích quyết định trên là do Brazil và Argentina đã hạ giá đồng nội tệ của họ (10%), gây tổn hại cho nông dân Mỹ. Việc chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố đánh thuế kim loại không khác gì giáng đòn mạnh vào kế hoạch thắt chặt quan hệ song phương của người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro.

Tổng thống Trump (trái) và ông Bolsonaro gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật hồi tháng 6. Ảnh: Reuters

Tổng thống Bolsonaro xem quan hệ với nhà lãnh đạo Mỹ là hòn đá tảng trong sự nghiệp ngoại giao của mình. Còn nhớ, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil hồi năm ngoái với hình tượng là "Trump xứ nhiệt đới" và dọa sẽ giảm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong nền kinh tế nước này. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2019, vị lãnh đạo cực hữu này đã đưa ra cách tiếp cận tiến-thoái vừa phải với Bắc Kinh, vốn là đối tác thương mại hàng đầu của Brasilia. Mặc dù công khai xích mích với một số lãnh đạo phương Tây, nhưng đối với Tổng thống Trump thì ông Bolsonaro chấp nhận nhiều nhượng bộ với hy vọng nhận lại những lợi ích khác. Chẳng hạn, ông miễn visa cho du khách Mỹ khi đến Brazil, cho phép Mỹ phóng vệ tinh từ lãnh thổ Brazil, tăng mua lúa mì và ethanol của Mỹ. Đổi lại, Brazil được Mỹ ủng hộ gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, những chiến lược này có thể thay đổi bởi tuyên bố áp thuế "có hiệu lực ngay lập tức" từ Mỹ và thậm chí đẩy nền kinh tế số một Mỹ Latinh xích gần với Trung Quốc- đối thủ thương mại hàng đầu của ông Trump. Quan hệ giữa Tổng thống Bolsonaro với ông Trump dĩ nhiên thân thiết hơn so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng quan hệ giữa Brasilia - Bắc Kinh đã bắt đầu nồng ấm trở lại sau chuyến công du của ông Bolsonaro tới Trung Quốc hồi tháng 10 và chuyến đi của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Brasilia dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sau đó một tháng. Mối quan hệ này đang gặt hái những kết quả rõ rệt, bằng chứng là Trung Quốc tăng nhập khẩu thịt từ Brazil và thậm chí tham gia giải cứu khi giá dầu giảm sâu hồi tháng rồi.

Phát biểu sau tuyên bố của ông Trump, Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao phủ nhận nước này thao túng tiền tệ và ông còn đề nghị Brazil nên thảo luận với Trung Quốc về các dự án đầu tư. Được biết, trao đổi thương mại giữa Brazil và Trung Quốc trong năm ngoái đạt con số kỷ lục 100 tỉ USD. Phía Brazil đã trao đổi với đại diện Chính phủ Mỹ xung quanh tuyên bố tái áp thuế của ông Trump, đồng thời khẳng định sẽ có những biện pháp để bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Brazil hiện là nhà cung cấp thép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chỉ xếp sau Canada.

Giới phân tích cho rằng mặc dù ông Trump tố Brazil và Argentina "mạnh tay phá giá đồng tiền" nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định "trừng phạt" có thể nằm ở hệ quả chính trị tại Mỹ từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nông dân Mỹ là một lực lượng cử tri quan trọng đối với khả năng tái đắc cử của tỉ phú New York trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong khi đó, thương chiến Mỹ-Trung đã khiến năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Mỹ suy giảm mạnh. Thay vì mua của Mỹ như trước kia, Trung Quốc giờ chuyển sang nông sản Brazil và Argentina. Nói cách khác, Brazil và Argentina đã thay thế Mỹ xuất khẩu đậu nành và các nông sản khác sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cùng ngày, văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Washington có thể tăng thuế đối với 2,4 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Pháp, bao gồm rượu sâm-panh và túi xách, lên tới 100%. Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ kết luận thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp mang tên GAFA (chữ cái đầu của Google, Apple, Facebook và Amazon) ảnh hưởng đến các đại gia công nghệ Mỹ. Lo ngại việc đánh thuế điện tử 3% của Paris có thể sẽ tạo tiền lệ cho những nước khác, nên giới chức Mỹ cũng đang cân nhắc mở cuộc điều tra tương tự về các đạo luật thuế điện tử của Áo, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, NBC News)

Chia sẻ bài viết