04/06/2008 - 10:53

Ông Olmert đi Mỹ để làm gì ?

Thủ tướng Israel Olmert (phải) gặp Tổng thống Palestine Abbas trước chuyến công du Mỹ. Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Ehud Olmert đang có chuyến thăm Mỹ 3 ngày. Một trong những vấn đề trọng tâm của chuyến công cán này được Tel Aviv nói là nhằm thúc đẩy lộ trình hòa bình Trung Đông theo thỏa thuận đạt được tại hội nghị Annapolis (Mỹ) hồi cuối năm ngoái. Vì thế, trước khi sang Mỹ, ông Olmert và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 2-6 có cuộc gặp kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ tại Jerusalem. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Olmert, tuy còn nhiều điểm khác biệt, nhưng hai bên tin tưởng rằng một hiệp định lịch sử có thể được ký kết trước cuối năm 2008. Đây cũng là điều mà người đứng đầu Nhà Trắng George Bush hy vọng xảy ra trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào đầu năm tới.

Hiện nay, những thỏa thuận đạt được tại hội nghị Annapolis đang đứng trước nguy cơ phá sản do bất đồng giữa Israel và Palestine trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, Thủ tướng Olmert đang vướng vào xì-căng-đan tham nhũng và có thể phải chấp nhận tổ chức tổng tuyển cử sớm hơn 2 năm vào tháng 11 tới. Nếu điều đó xảy ra, phần thắng gần như chắc chắn thuộc về phái “diều hâu” của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Cho nên, dù hai ông Olmert và Abbas có ký kết một thỏa thuận hòa bình đi nữa thì nó có thể chỉ nằm trên bàn giấy chứ không có hiệu lực trong thực tế. Người ta có thể nghĩ đến kết cục này qua việc nội các Israel đã thông qua kế hoạch xây dựng thêm 884 căn hộ Do Thái tại Đông Jerusalem thuộc Khu Bờ Tây chiếm đóng của người Palestine trước khi ông lên đường đi Washington. Israel cho rằng Đông Jerusalem là một phần không thể tách rời của một “thủ đô Jerusalem thống nhất và vĩnh cửu” trong tương lai của họ. Từ năm 1967 đến nay, chính quyền Israel đã xây dựng hàng chục khu định cư Do Thái tại Đông Jerusalem và hiện có hơn 200.000 người Israel sinh sống. Phía Palestine thì khẳng định đây là vùng đất linh thiêng không thể thiếu của người A-rập. Nhà thương lượng hàng đầu của Palestine, ông Saeb Erekat tuyên bố tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai bên dù có diễn ra nghiêm túc nhưng bị giậm chân tại chỗ bởi kế hoạch mở rộng các khu định cư Do Thái. Ông cho rằng kế hoạch trên đang “đe dọa hy vọng của Mỹ về việc Palestine và Israel có thể đạt được thỏa thuận hòa bình vào cuối năm nay”. Nhóm “Bộ Tứ” bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ) cũng phản đối kế hoạch mở rộng các khu định cư Do Thái tại Đông Jerusalem. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi quyết định của chính quyền Israel là đi ngược với luật pháp quốc tế và những cam kết của họ tại hội nghị Annapolis.

Thật ra, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu hàng đầu của ông Olmert trong chuyến thăm Washington lần này là vận động các quan chức Mỹ bán nhiều máy bay quân sự hiện đại cho Không lực Israel cũng như giúp xây dựng hệ thống tên lửa chống rốc-két đa chức năng và xin được quyền trực tiếp kết nối hệ thống vệ tinh tình báo của Mỹ có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa của đối phương diễn ra tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, mà nhất là tại Iran. Từ vài tháng nay, các quan chức quốc phòng cấp cao Israel đã liên tục sang Mỹ gặp giới lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc để giải thích rõ các nhu cầu trên của chính quyền Olmert. Ngoài ra, theo hãng thông tấn Ynetnews, ông Olmert còn mang theo những thông tin tình báo khẳng định rằng Tehran vẫn đang tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, chứ không phải đã ngưng từ năm 2003 mà cơ quan tình báo Mỹ có lần đã thừa nhận. Với những bằng chứng cụ thể, ông Olmert hy vọng sẽ thuyết phục Washington đẩy mạnh các biện pháp cô lập và thẳng tay trừng phạt Iran.

PHÚC NGUYÊN (Theo Ynetnes, AFP, Reuters, JTA, AP)

Chia sẻ bài viết