Tướng Pervez Musharraf (ảnh), cựu tổng thống Pakistan hiện đang sống lưu vong tại Anh, cuối tuần rồi đã nói chắc như đinh đóng cột với hãng tin BBC rằng ông sẽ hồi hương để tiếp tục làm chính trị. “Chắc chắn 200% rằng tôi sẽ tham gia cuộc bầu cử tới. Đại diện cho bản thân tôi. Đại diện cho đảng mà tôi sẽ thành lập”, ông khẳng định. Chính khách 67 tuổi này tin rằng sẽ giành được ghế nghị sĩ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, rồi sau đó trở thành tổng thống hoặc thủ tướng. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra thận trọng khi “thòng” thêm câu “thà cố gắng mà thất bại còn hơn không làm gì cả”.
Ông Musharraf cho biết ý định thành lập đảng là nhằm “giới thiệu một nền văn hóa chính trị mới có thể đưa Pakistan tiến về phía trước trên con đường dân chủ đúng đắn, chứ không phải dân chủ giả tạo, mị dân”. Theo ông, hiện nay người dân Pakistan hoàn toàn mất niềm tin và hy vọng vào đất nước mà như ông mô tả là đang trong “tình trạng thảm thương”. Ông nói: “Bây giờ, chúng ta nhìn thấy bóng đen bao trùm khắp Pakistan”. Rõ ràng ông đang chĩa mũi dùi vào đương kim chính phủ. Rồi ông không quên tự lăng-xê khi nói đã làm được “những điều kỳ diệu” trong 7 năm làm tổng thống (2001-2008), và giai đoạn này có thể so sánh với cả 50 năm trước đó.
Tuy nhiên, ông Musharraf cũng thừa nhận rằng về nước sẽ rất nguy hiểm đối với tính mạng của mình. Từ vị trí tham mưu trưởng quân đội, ông lên nắm quyền sau cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ Thủ tướng Nawaz Sharif năm 1999. Năm 2001, ông trở thành tổng thống. Tháng 8-2008, ông buộc phải từ chức để đổi lấy việc không bị chính phủ của đảng Nhân dân Pakistan luận tội xung quanh vụ ban bố tình trạng khẩn cấp và đình chỉ hiến pháp hồi cuối năm 2007. Tháng 4 năm ngoái, ông chạy ra nước ngoài để khỏi phải đứng trước vành móng ngựa. Trong thời gian tại chức, ông cũng nhiều lần bị các nhóm nổi dậy dọa giết.
Nhưng ông nói cứng rằng không nao núng trước các hiểm nguy và sẽ về nước trước kỳ bầu cử. Thực tế là trong vài tháng qua, các trợ lý của tướng Musharraf đã tập hợp được một đảng mới lấy tên Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan và họ cho biết ông sẽ lãnh đạo đảng này một khi về nước. Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan hiện đang tích cực vận động gây quỹ cứu giúp các nạn nhân trận lũ kinh hoàng vừa qua và cá nhân ông Musharraf đã đóng góp 10 triệu rupee (khoảng 118.000 USD).
Phản ứng trước kế hoạch của cựu Tổng thống Musharraf, các đối thủ chính trị cảnh báo ông sẽ bị đưa ra xét xử nếu quay lại Pakistan. Nhưng ông Musharraf cũng có cái để tin tưởng rằng tham vọng của mình là khả thi. Chẳng phải các cựu thủ tướng Benazir Bhutto và Sharif từng sống lưu vong nhưng sau này đều về nước và “làm nên chuyện” đó sao?
LÊ DÂN