Trích nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công cho biết, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có thể cử em gái Kim Yo-jong sang Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Thông tin được tiết lộ giữa lúc Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Suh Hoon bắt đầu chuyến thăm Nhà Trắng. Tờ Yonhap cho biết hai quan chức cấp cao Hàn Quốc sẽ trao đổi kết quả cuộc họp liên Triều trong buổi làm việc với các đối tác Mỹ gồm Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo.
Em gái ông Kim Jong-un trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc tại Seoul. Ảnh: Reuters
Trước chuyến đi, ông Chung từng đề cập “thông điệp bí mật” mà lãnh đạo Triều Tiên muốn gởi đến chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nói trong điều kiện giấu tên, nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc đánh giá thông điệp này có thể “rất bất thường”. Không rõ Mỹ công bố nội dung hay không, nhưng nguồn tin này tiết lộ ông Chung sẽ truyền đạt đến giới chức ở Washington những điều kiện khởi động đối thoại song phương mà Bình Nhưỡng đặt ra. Giám đốc Hiệp hội Triều Tiên Stephen Noerper dự đoán, một trong số đó sẽ là đề xuất giảm quy mô các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn để đổi lấy việc Bình Nhưỡng đóng băng hoặc tạm dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, nguồn thạo tin từ Hàn Quốc cho biết thông điệp nhiều khả năng nhắc đến việc cử Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên, tới Washington. “Có lẽ khi cử cô Kim Yo-jong sang Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đã có ý định cử em gái mình tới Washington. Cô Kim là vũ khí hiệu quả nhất của Triều Tiên hiện nay”–nguồn tin nhận xét. Hồi tháng 2, sự kiện em gái ông Kim cùng phái đoàn cấp cao dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông PyeongChang đánh dấu cột mốc thành viên đầu tiên trong gia đình lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong động thái mang tính bước ngoặt, cô Kim Yo-jong đã mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng. Sự kiện này tạo nền tảng cho chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc đến Triều Tiên hôm 5-3, dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 tới.
Phát biểu hôm 7-3, Tổng thống Moon cho biết đây là bước tiến lớn, nhưng cũng thừa nhận vẫn còn nhiều trở ngại trong nỗ lực phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Về phía Mỹ, các quan chức và chuyên gia nước này đang tranh luận về ý định đàm phán của Bình Nhưỡng. Nhiều người lo ngại đây chỉ là chiến thuật trì hoãn của Triều Tiên nhằm cải tiến kho vũ khí hạt nhân. Hiện tại, Nhà Trắng vẫn đang mâu thuẫn giữa một bên là Ngoại trưởng Tillerson cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chủ trương thúc đẩy các biện pháp gây áp lực kinh tế và cô lập ngoại giao tối đa để buộc quốc gia Đông Bắc Á ngồi vào bàn đàm phán. Những tiếng nói còn lại, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster đang thảo luận khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ hoặc phát triển vũ khí hạt nhân.
Trước tình hình này, CNN cho biết chính quyền ông Trump đang cân nhắc bổ nhiệm một chuyên gia bên ngoài cho vai trò đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên nếu tiến trình đối thoại nghiêm túc diễn ra. Vị này sẽ xử lý những bước cần thiết trước khi Ngoại trưởng Tillerson ngồi vào bàn đàm phán. Động thái trên phần nào cho thấy lập trường của Washington, đồng thời phản ánh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nhà ngoại giao cấp cao đủ năng lực và kinh nghiệm trong vấn đề Triều Tiên. Hiện tại, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun vừa mới nghỉ hưu trong khi vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cũng đang bị bỏ trống.
MAI QUYÊN