14/09/2012 - 21:14

Ông chủ Lầu Năm Góc chuẩn bị trở lại châu Á

Tàu tuần duyên Nhật Bản (trên) và tàu hải giám Trung Quốc “kè cự nhau” trên Biển Hoa Đông sáng 14-9. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta vào đầu tuần tới sẽ đi thăm Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand. Đây là chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 3 trong vòng 11 tháng qua của ông chủ Lầu Năm Góc, thể hiện sự cam kết của chính quyền Tổng thống Barack Obama giúp cho các nước khu vực này tái cân bằng quan hệ, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông.

Bài toán chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ

Trong cuộc họp báo ngày 13-9 nhằm thông báo chuyến thăm châu Á của Bộ trưởng Panetta, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little tuyên bố “liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hơn 50 năm qua và chúng tôi sẽ có những kế hoạch đầu tư mới cho liên minh này trong thế kỷ 21 như là phần trong cam kết tái cân bằng của Mỹ tại khu vực này”.

Về phía Trung Quốc, ông Little nhấn mạnh chuyến đi Bắc Kinh lần này của “thủ trưởng” Panetta là “cơ hội làm sâu sắc thêm các cam kết hợp tác quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, mà trong đó một trong những mục tiêu quan trọng của Mỹ là xây dựng mối quan hệ minh bạch và vững bền hơn với quân đội Trung Quốc”.

Đối với New Zealand, ông Little cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên trong hơn 3 thập niên qua của một bộ trưởng quốc phòng Mỹ và là dịp để hai nước khẳng định sự hợp tác theo hướng tập trung, tăng cường và mở rộng quan hệ quốc phòng song phương. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Tiến sĩ Jonathan Coleman đã đi thăm Mỹ hồi tháng 6-2012 và hai bên đã ra tuyên bố chung như vậy.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter thì cho hay tầm nhìn của Mỹ từ sau Đệ nhị Thế chiến đến nay vẫn coi sức mạnh quân sự then chốt của mình là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi duy trì hòa bình và ổn định cho cả thế giới. Ông nói rằng Washington không chỉ đảm bảo cho các đồng minh lâu dài như Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn hỗ trợ cho các cường quốc chính trị và kinh tế như Trung Quốc và Ấn độ, “trỗi dậy và thịnh vượng”.

Tuy nhiên, trước những chỉ trích cho rằng Lầu Năm Góc chưa lý giải đầy đủ kế hoạch chuyển hướng quân sự từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương với cán cân 60-40 nghiêng về châu Á trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ bị cắt giảm, Thứ trưởng Carter nhấn mạnh đường lối chiến tranh mới của nước này là dựa vào hệ thống máy bay công nghệ cao phục vụ sứ mạng tình báo, giám sát và do thám, vì vậy Mỹ sẽ chuyển phi đội máy bay không người lái tiên tiến Global Hawk từ Trung Đông sang châu Á, đồng thời sẽ đưa nhiều máy bay do thám chống tàu ngầm và khủng bố phiên bản P-3 của hải quân sang khu vực này. Máy bay ném bom tầm xa B-1 và B-52 từ Trung Đông và Nam Á cũng sẽ được rút đến Thái Bình Dương. Ông Carter không loại trừ khả năng Mỹ triển khai máy bay tàng hình F-22 tới châu Á. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường thủy quân lục chiến từng làm nhiệm vụ ở Iraq và Afghanistan cùng các trang thiết bị chiến đấu tới các căn cứ quân sự đóng tại Thái Bình Dương, nơi mà nước này cũng đang thảo luận việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa rộng khắp của Mỹ.

Tàu tuần dương Nhật-Trung đối đầu căng thẳng

Chuyến công du châu Á của ông Panetta diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh hôm qua tiếp tục leo thang khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận có 6 tàu hải giám của nước này đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông từ sáng 14-9.

Theo hãng tin Anh Reuters, phía Trung Quốc tuyên bố đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh “thực thi pháp lý chủ quyền trên biển của mình trên quần đảo Điếu Ngư”. Nhật báo Phố Wall của Mỹ cho biết tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng biển của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku từ hơn một năm qua, trong đó lần mới nhất diễn ra hồi trung tuần tháng 7, nhưng theo người phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Hikariko Ono, chưa lần nào Trung Quốc huy động đến lực lượng tàu giám sát biển hùng hậu đến như vậy tới khu vực này. Ông Ono cho biết thêm chính phủ Nhật Bản đã thành lập phòng đặc nhiệm tại Trung tâm Giải quyết khủng hoảng và lực lượng đặc nhiệm tại Cơ quan cảnh sát quốc gia để giải quyết vấn đề trên.

Theo thông tin ban đầu, sau những cảnh báo của lực lượng tuần duyên Nhật Bản, khoảng 2-3 tàu hải giám Trung Quốc đã tạm thời rời khỏi khu vực giới hạn, số còn lại vẫn chưa chịu rút đi. Hãng tin Kyodo dẫn lời Thủ tướng Nhật bản Yoshihiko Noda trong một cuộc họp báo sáng qua cho biết chính phủ của ông sẽ dùng “mọi biện pháp cần thiết” để đảm bảo an ninh xung quanh khu vực quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

Trong khi đó, hôm 13-9, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ có ý dọa trả đũa thương mại Nhật Bản khi cho rằng việc người tiêu dùng đông dân nhất thế giới tẩy chay hòa bình hàng hóa của sứ Mặt trời mọc là không có gì sai trái.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, là thị trường tiêu thụ xe hơi và hàng điện tử rất quan trọng của Nhật. Kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế thứ hai và ba thế giới này hồi năm ngoái đạt mức kỷ lục 345 tỉ USD, tăng 14,3%. Hãng xe hơi Nissan thừa nhận kinh doanh của họ tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng sau khi hai nước bắt đầu căng thẳng trở lại từ tháng 8. Cứng rắn hơn, Tân Hoa Xã dẫn lời Thượng tướng Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi quân đội nước này hãy chuẩn bị sẵn sàng cho “bất kỳ trận chiến quân sự nào có thể xảy ra”.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Tàu tuần duyên Nhật Bản (trên) và tàu hải giám Trung Quốc “kè cự nhau” trên Biển Hoa Đông sáng 14-9. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết