24/09/2020 - 09:35

Ông Bolsonaro bảo vệ rừng Amazon? 

Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 22-9, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cáo buộc các tác nhân nước ngoài đứng sau “chiến dịch tin giả tàn bạo nhất” về tình trạng suy giảm tài nguyên rừng nhiệt đới Amazon và vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới Pantanal nằm ở hai bang miền Tây nước này.

Rừng Amazon bị tàn phá.

Rừng Amazon bị tàn phá.

Ông Bolsonaro lập luận rằng do diện tích Amazon quá rộng (lớn hơn cả khu vực Tây Âu), nên rất khó ngăn chặn nạn đốt phá trái phép cũng như các hoạt động dọn rừng lấy đất canh tác. Ông cũng nhắc lại phát biểu gần đây rằng các đám cháy không thể lan rộng vì rừng này… “ẩm ướt”. Không chỉ quy trách nhiệm gây ra cháy rừng trong năm nay cho thổ dân ở Amazon, Tổng thống Brazil còn nói báo cáo về hỏa hoạn đã bị phóng đại.

Thế nhưng dữ liệu từ chính phủ lại cho thấy số vụ hỏa hoạn tại Amazon đã tăng vọt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bolsonaro. Năm 2019, Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil ghi nhận hơn 126.000 đám cháy tại nơi được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh”, tăng gần 40% so thời điểm trước khi ông này nhậm chức. Điều tương tự cũng xảy ra ở Pantanal, nơi năm 2020 có trên 16.000 điểm nóng, cao nhất kể từ năm 1998. Phá rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil trong một năm (tính tới tháng 7 vừa rồi) đã lên tới mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.

Amazon đóng vai trò vùng đệm quan trọng để chống biến đổi khí hậu và rừng nhiệt đới này chiếm khoảng 49% lãnh thổ Brazil. Tổng thống Bolsonaro thường tự nhận là người đứng sau những nỗ lực bảo vệ môi trường và thậm chí nói trước LHQ rằng không quốc gia nào bảo vệ vùng đất hoang dã tốt như Brazil. Thật ra, chính quyền Bolsonaro đã thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ những vùng đất này. Đơn cử như hôm 21-9, Bộ Môi trường Brazil thông báo thành lập hai cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp rừng Amazon và quản lý các vùng đất bảo tồn. Trong năm nay, ông Bolsonaro cũng đã ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy lùi nạn phá rừng, trong đó có chỉ thị nghiêm cấm hành vi dọn rừng bằng cách phóng hỏa - chiến thuật thường thấy ở bọn lâm tặc.

Dù vậy, cho tới nay “Chiến dịch Brazil Xanh 2” và lệnh cấm đốt rừng không mang lại kết quả. Tuy quân đội đã xử phạt những đối tượng phạm tội phá rừng với số tiền hơn 96 triệu USD, song số lượng đám cháy vẫn không giảm, thậm chí còn tăng.

Những chỉ trích từ trong và ngoài nước

Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động môi trường nghi ngờ những tuyên bố bảo vệ rừng của Tổng thống Bolsonaro, khi nhắc lại một trong những cam kết ông đưa ra lúc tranh cử là thu hẹp những vùng đất chưa khai khẩn của thổ dân và “khai thác tiềm năng kinh tế của rừng Amazon”. Lãnh đạo Brazil còn “bật đèn xanh” cho các đối tượng từng chiếm đất công trái phép giai đoạn 2011-2018 có được quyền sở hữu hợp pháp. Trong cuộc họp kín hồi tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles thậm chí nói rằng đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho chính quyền ông Bolsonaro làm suy yếu các quy định cấm phá rừng tại một số vùng đất.

Trước tình trạng ngày càng tồi tệ, tuần rồi, các quốc gia châu Âu cũng đã ra tuyên bố chung thúc giục Brazil hành động để bảo vệ rừng Amazon. 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết