08/11/2013 - 10:18

Ông Arafat chết vì bị đầu độc?

Tổng thống Arafat trong chuyến thăm Ramallah, khu Bờ Tây hồi tháng 3-2004. Ảnh: AFP

Trong nỗ lực đi tìm nguyên nhân cái chết bí ẩn của cố Tổng thống Yasser Arafat, các nhà khoa học Thụy Sĩ mới đây công bố báo cáo "gây sốc" cho thấy nhà lãnh đạo đáng kính của người dân Palestine có thể đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium.

Hôm 6-11, kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar đã cho đăng tải bản báo cáo dài 108 trang nghiên cứu về các mẫu đất và xương của ông Arafat, do 10 nhà khoa học tại Viện vật lý phóng xạ thuộc Đại học trung tâm pháp y Lausanne (Thụy Sĩ) thực hiện. Báo cáo cho rằng: "Các điều tra về độc tính và độc tính phóng xạ đã được tiến hành và kết quả thu được phần nào củng cố giả thuyết rằng cái chết của ông Arafat là do bị đầu độc bằng polonium-210". Cụ thể, hàm lượng chất polonium-210 tìm thấy trong xương và các mô mềm của cố lãnh đạo Palestine cao gấp 20 lần so với bình thường. Theo hãng thông tấn Palestine WAFA, ngoài báo cáo của phía Thụy Sĩ, một ủy ban của Palestine điều tra về cái chết của ông Arafat cũng đã nhận được tài liệu của nhóm điều tra Nga.

Tổng thống Arafat qua đời ngày 11-11-2004 trong một bệnh viện tại Pháp ở tuổi 75. Khi đó, các bác sĩ đã không thể đưa ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo Palestine. Bà Suha Arafat cũng không yêu cầu tiến hành khám nghiệm tử thi chồng trước khi ông được chôn cất tại thành phố Ramallah thuộc khu Bờ Tây. Đúng 8 năm sau đó, thi hài ông Arafat đã được khai quật theo yêu cầu của bà và khoảng 60 mẫu phẩm cũng được thu thập nhằm phục vụ cho cuộc điều tra xem liệu ông có bị đầu độc hay không. Các mẫu phẩm được chia cho các nhóm điều tra của Thụy Sĩ, Nga và Pháp. Trước đó, kênh truyền hình Al-Jazeera cũng vào cuộc và có báo cáo phát hiện các dấu vết của polonium-210 trên vật dụng cá nhân của Arafat khi ông nằm viện ở Pháp. Hồi tháng rồi, Viện vật lý phóng xạ Thụy Sĩ cũng đã công bố báo cáo tương tự như Al-Jazeera.

Polonium là một loại phóng xạ hiếm và cực độc, chỉ với khoảng 1gram cũng đủ gây chết người. Báo giới hồi năm 2006 từng tốn nhiều giấy mực để nói về cái chết của điệp viên Nga Alexander Litvinenko- người đã thiệt mạng sau khi uống tách trà được cho có chứa polonium khi đang ở Luân Đôn (Anh).

Trong khi có ý kiến cho rằng ông Arafat chết là do vấn đề sức khỏe hoặc mắc bệnh ung thư, thì Palestine từ lâu cáo buộc quốc gia "thù địch" Israel đứng đằng sau vụ việc trên. Một thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) hôm 6-11 khẳng định: "Báo cáo của các chuyên gia Thụy Sĩ xác nhận vụ đầu độc ông Arafat bằng polonium và chính Israel đã hành động". Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor gọi báo cáo về việc ông Arafat bị đầu độc là không thuyết phục và nó chỉ là "một màn kịch hơn là khoa học".

Về phần mình, bà Suha Arafat không giấu được nỗi buồn và cảm giác sốc trước những phát hiện mới. Bà gọi hành động đầu độc trên là "vụ ám sát nhà lãnh đạo vĩ đại" và là "tội ác chính trị". Người phụ nữ này cũng đã yêu cầu ủy ban điều tra của Palestine cố tìm ra thủ phạm thực sự của vụ đầu độc.

THANH BÌNH
(Theo AP, AFP, Reuters, Guardian, Al-Jazeera)

Yasser Arafat- lãnh tụ tài ba

Tổng thống Arafat sinh ngày 24-8-1929 trong một gia đình nông dân khá giả tại Thủ đô Cairo (Ai Cập). Dù tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư, nhưng ông lại bị cuốn theo sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Năm 1948, Arafat thành lập phong trào Fatah mà sau đó trở thành một phần chủ lực trong Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cũng do ông thành lập vào năm 1964. Cuối năm 1988, Hội đồng quốc gia Palestine của PLO tuyên bố Nhà nước Palestine độc lập với Thủ đô là Jerusalem. Một năm sau đó, Arafat được bầu làm Tổng thống Nhà nước Palestine.

Khi tiến hành đàm phán hòa bình với Israel, ông từng đạt được Hiệp định Hòa bình Oslo vào năm 1993. Một sự kiện đáng chú ý là tại Nhà Trắng, Tổng thống Arafat đã có cái bắt tay lịch sử với Thủ tướng Israel khi đó là Yitzhak Rabin. Chính những nỗ lực trên đã mang về cho Arafat và Rabin giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1994.

 

Chia sẻ bài viết