01/04/2021 - 08:40

Ồn ào xung quanh báo cáo của WHO về COVID-19 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi điều tra kỹ lưỡng hơn giả thuyết virus gây bệnh COVID-19 lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc sau khi báo cáo điều tra nguồn gốc bệnh này không đưa ra kết luận cụ thể.

Nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: AP

Nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: AP

Tại cuộc họp báo, ông Tedros hoan nghênh báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19 vừa được công bố sau nhiều lần trì hoãn. Báo cáo công bố vào ngày 30-3 sau khi nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu kết thúc chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay để tìm hiểu nguồn gốc SARS-CoV-2. Ông Tedros cho rằng báo cáo “giúp chúng ta nâng cao sự hiểu biết” về COVID-19, căn bệnh đã lây nhiễm cho gần 129 triệu người với hơn 2,8 triệu ca tử vong trên thế giới. Tuy nhiên, tài liệu do các chuyên gia quốc tế được WHO chỉ định cùng đối tác Trung Quốc phối hợp biên soạn được cho là đã không đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn nào. Báo cáo chỉ xếp hạng một loạt giả thuyết từ mức “cực kỳ khó có thể xảy ra” cho đến “rất có thể xảy ra”. Chẳng hạn, báo cáo nói virus “rất có thể” lây sang người từ dơi thông qua “một động vật trung gian chưa được xác định”, trong khi giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) được nhận định là “cực kỳ khó có thể xảy ra”.

“Nhóm chuyên gia kết luận giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là ít có khả năng xảy ra nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần phải điều tra sâu hơn giả thuyết này”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh. Ông Tedros cũng tiết lộ nhóm chuyên gia “đã bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải khi tiếp cận dữ liệu thô ở Trung Quốc”. Do vậy, vị này hy vọng sẽ có “sự hợp tác nghiên cứu trong tương lai, bao gồm chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn”.

Phản ứng của Mỹ và các đồng minh

Sau khi WHO công bố báo cáo nguồn gốc virus, Mỹ cùng 13 quốc gia đồng minh bao gồm Anh, Nhật Bản và Úc đã bày tỏ quan ngại về tài liệu dài 120 trang này. “Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2 đã bị trì hoãn đáng kể và thiếu quyền tiếp cận toàn diện với các dữ liệu thô ban đầu”, Washington và các nước khẳng định trong tuyên bố chung hôm 30-3.

Mỹ và các đồng minh cho rằng Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu về những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên cho nhóm điều tra của WHO, cản trở nỗ lực tìm hiểu cách đại dịch bắt đầu. Qua đó, Washington cùng các nước phương Tây thúc giục Trung Quốc cho phép các chuyên gia độc lập “tiếp cận đầy đủ” tất cả dữ liệu về đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên ở quốc gia này hồi cuối năm 2019. Các nước cũng ủng hộ nghiên cứu thêm về động vật để tìm ra phương thức virus lây nhiễm sang người, kêu gọi WHO và những nước thành viên cam kết cấp quyền tiếp cận đầy đủ, minh bạch và kịp thời đối với dữ liệu.

Về phần mình, trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này đã 2 lần mời các chuyên gia WHO sang Trung Quốc và đã hỗ trợ, cung cấp mọi thứ cần thiết để nhóm điều tra thực hiện nhiệm vụ. Ngay từ đầu, Bắc Kinh cũng đã bác bỏ giả thuyết virus “xổng” khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. “Các hành động chính trị hóa việc tìm kiếm nguồn gốc virus sẽ chỉ cản trở nghiêm trọng sự hợp tác toàn cầu về vấn đề này, làm suy yếu nỗ lực chống dịch toàn cầu và gây thêm thiệt hại về nhân mạng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Kể từ khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán cuối năm 2019 cho đến nay, bệnh nhân số 0 tức người đầu tiên mắc bệnh và SARS-CoV-2 xuất phát từ đâu vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Thủ tướng Ý tiêm vaccine AstraZeneca

Ngày 30-3, Thủ tướng Ý Mario Draghi và phu nhân đã tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh - Thụy Điển). Sau những tranh cãi về độ an toàn của vaccine AstraZeneca, ngày 19-3, Thủ tướng Draghi thông báo sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca và đăng ký tiêm chủng như mọi công dân khác của Ý. Ông khẳng định: “Tôi sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca và con trai tôi cũng đã tiêm vaccine này tại Anh”.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết