31/01/2023 - 10:00

Nước Ðức trong cuộc đua khai thác lithium 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Nikkei)

So với các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc, Ðức bị đánh giá tụt lại phía sau trong việc đảm bảo nguồn cung lithium. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz đang chạy đua hợp tác cùng khu vực Nam Mỹ với kỳ vọng tìm kiếm thị phần "vàng trắng” lớn hơn cho đầu tàu kinh tế châu Âu.

Thủ tướng Ðức Scholz (trái) và Tổng thống Chile Boric trong cuộc họp báo chung. Ảnh: Reuters

Cùng với phái đoàn gồm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng Scholz ngày 29-1 đã đến Chile, chặng dừng chân thứ 2 sau Argentina và trước Brazil trong chuyến công du Mỹ Latinh. Trọng tâm chuyến đi là củng cố quan hệ kinh tế - thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur, qua đó làm sâu sắc hơn hợp tác song phương của Ðức với các nước vì mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận những khoáng sản khan hiếm nhưng cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và công nghệ tiên tiến hơn.

Theo các quan chức Ðức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tụt lại phía sau trong cuộc đua giành nhiều khoáng sản quan trọng, một phần do chính sách hạn chế khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường. Ðặc biệt với nguồn kim loại siêu nhẹ để sản xuất pin cho xe điện, Berlin mặc dù sở hữu ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh nhưng không có nhiều sự hiện diện trong “tam giác lithium” của Nam Mỹ, dẫn tới phụ thuộc nhiều vào nước đang dẫn đầu ngành công nghiệp lithium thế giới là Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà kinh tế và tư vấn Carl Moses cho biết có những nỗ lực đang được thúc đẩy ở Berlin để thay đổi tình trạng trên. Mục tiêu là đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung, đồng thời nâng cao năng lực quốc gia trong chuỗi cung ứng khi nhu cầu đối với các khoáng sản quan trọng ngày càng tăng cao song song những mối quan tâm về địa chính trị. Trong đó, Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ giới tinh hoa ở Berlin xác định Argentina, Chile và Brazil là “những đối tác rất hấp dẫn” của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ðiều này nhanh chóng được xác nhận qua thỏa thuận mới và mở rộng với Chile vừa được Thủ tướng Scholz công bố trong cuộc họp báo chung cùng Tổng thống nước chủ nhà Gabriel Boric. Trước đó một ngày, tại thủ đô Buenos Aires, nhà lãnh đạo Ðức và Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cũng đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của Berlin đối với nguồn tài nguyên lithium phong phú ở quốc gia Nam Mỹ.

Ðược biết, Argentina và Chile là hai trong số 3 quốc gia nằm trong vùng “tam giác lithium” của Nam Mỹ, nơi nắm giữ khoảng 57% trữ lượng lithium trên thế giới. Vốn Ðức từng ký kết xây dựng liên doanh khai thác lithium với nước còn lại là Bolivia vào năm 2018, nhưng thỏa thuận sụp đổ hai năm sau đó do bất ổn chính trị.

Cơ hội để Ðức “độc lập” khỏi Trung Quốc

Chuyến thăm Nam Mỹ của Thủ tướng Scholz diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Ðức đang tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài, sau “cú sốc kinh tế” do cuộc chiến ở Ukraine gây ra và mối lo ngại gia tăng về sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Ðược biết, Chile và Úc chiếm phần lớn nguồn mỏ lithium toàn cầu, nhưng Trung Quốc là nước kiểm soát hơn một nửa quá trình xử lý và tinh chế kim loại này thành pin chuyên dụng trên thế giới. Ðiều này làm dấy lên e ngại về sự thống trị của cường quốc châu Á trong bối cảnh sự phụ thuộc vào Bắc Kinh hiện bị coi là “lỗ hổng” đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vấn đề trên đã được Thủ tướng Scholz đề cập trong cuộc gặp với Tổng thống Fernandez khi ông lên tiếng phản đối chính sách “chỉ phục vụ lợi ích riêng của quốc gia muốn sản xuất hàng hóa cho chính họ”. Thông điệp tương tự cũng được đưa ra trong chuyến thăm của ông tới Chile. Thậm chí, Thủ tướng Scholz còn trực tiếp gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” của Ðức trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Và trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô, ông Scholz khẳng định Ðức sẵn sàng tham gia phát triển ngành công nghiệp lithium với Mỹ Latinh. Tham vọng này phù hợp với mục tiêu của một số nước muốn tái cơ cấu nguồn tài nguyên thiên nhiên đang rất được săn đón này, chẳng hạn như Chile. Về trung hạn, giới quan sát cho rằng Santiago nhiều khả năng đem lại cơ hội đột phá cho Berlin, khi cả hai xây dựng tầm nhìn chung và có cách tiếp cận phù hợp hướng tới sự bền vững trong việc sản xuất lithium và chuỗi giá trị mà nó tạo ra.

Chia sẻ bài viết