28/08/2011 - 10:30

Nước tới chân mới nhảy

Như tin đã đưa, Chính phủ Tây Ban Nha do đảng Xã hội (PSOE) cầm quyền của Thủ tướng sắp từ nhiệm José Luis Zapatero ngày 26-8 thông báo đã đạt thỏa thuận với đảng Nhân dân (PP) đối lập chính nhằm đưa mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công vào Hiến pháp nước này. Tuy bản Hiến pháp sửa đổi không ấn định mức trần thâm hụt ngân sách cụ thể nhằm đảm bảo cơ chế linh hoạt cho nền kinh tế trong các chu kỳ khủng hoảng, nhưng sẽ đính kèm một đạo luật quy định mức trần thâm hụt ngân sách trong giai đoạn hiện nay.

Theo đạo luật mới do hai đảng lớn của Tây Ban Nha đề xuất, mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước là 0,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó thâm hụt của chính phủ trung ương không vượt quá 0,26% GDP và của các chính quyền địa phương không vượt quá 0,14%. Đạo luật này cũng quy định các chính quyền địa phương phải báo cáo quyết toán ngân sách, đề ra các tiêu chí về giảm mạnh mức nợ nhà nước cho phù hợp với Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định của Liên minh châu Âu (EU) dành cho các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức 60% GDP.

Đạo luật này phải được thông qua trước ngày 30-6-2012. Đây là nỗ lực của cả PSOE lẫn PP, hai đảng vốn chiếm 90% số ghế trong cả hai viện Quốc hội Tây Ban Nha, trước khi cơ quan lập pháp nước này giải tán vào ngày 27-9 để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn (tới 4 tháng) vào ngày 20-11 năm nay. Nó diễn ra trong bối cảnh có những đồn đoán rằng Tây Ban Nha sẽ phải xin cứu trợ để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ công như Hy Lạp. Các chính trị gia Tây Ban Nha khẳng định động thái nói trên là một bước đi hướng tới “sự hợp nhất của Eurozone”.

“Tháng 8 là tháng của bất ổn tài chính. Các nhà đầu tư đã mất niềm tin vào Eurozone. Chúng ta phải giành lại niềm tin và cho thấy chúng ta có khả năng trả nợ”, Alfredo Pérez Rubalcaba, ứng viên sáng giá của PSOE cho chức thủ tướng Tây Ban Nha trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới, tuyên bố. Còn Mariano Rajoy, Chủ tịch PP và là người nhiều năm qua đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp để đưa vào điều luật quy định mức trần thâm hụt ngân sách quốc gia, thì nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn Tây Ban Nha là một trong những quốc gia tiên phong về chính sách kinh tế châu Âu”. Tuy vậy, như đã đề cập, Tây Ban Nha không ấn định mức trần thâm hụt ngân sách trong Hiến pháp sửa đổi, mà đưa vào một đạo luật riêng. Điều này khác với Đức, vốn quy định rõ trong Hiến pháp là từ năm 2016 không vượt quá 0,35%.

Phát ngôn viên của PP, bà Saénz de Santamaría, nói rằng thỏa thuận giữa hai đảng sẽ buộc các chính phủ Tây Ban Nha trong tương lai phải giữ cho mức vay nợ quốc gia dưới giới hạn 60% GDP do EU đặt ra. Thế nhưng, theo báo Guardian của Anh, nợ của Tây Ban Nha nhiều nguy cơ sẽ lên tới 65% GDP trong năm nay. Guardian nhận định: “Dù giải pháp mới được đưa ra nhằm mục đích trấn an thị trường, nhưng nó dường như không có tác động đối với tình trạng thâm hụt hiện nay của Tây Ban Nha”. Các số liệu công bố hôm 26-8 cho thấy tăng trưởng GDP hàng năm của Tây Ban Nha đã tụt xuống còn 0,7% trong quý 2, khó có thể đạt mức 1,3% trong năm 2011 như dự đoán của chính phủ Tây Ban Nha.

NHẬT QUANG (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết