24/04/2008 - 09:22

Nước ngọt - Mặt hàng xuất khẩu mới của Nga?

Hồ nước ngọt Baikal của Nga chứa 20% trữ lượng nước ngọt chưa bị đóng băng của thế giới. Ảnh: Baikal-maria.irk.ru

Từ đề xuất của Chủ tịch Boris Gryzlov, văn kiện đại hội lần thứ 9 mới đây của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất khẳng định Nga sẽ đẩy mạnh khai thác các tiềm lực kinh tế mới, trong đó có khai thác trữ lượng nước ngọt để xuất khẩu. Văn kiện nhấn mạnh trong vòng 5 năm tới, xuất khẩu nước ngọt sẽ trở thành một “sản phẩm chiến lược” khác của Nga, bên cạnh dầu khí.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nước đóng chai Nga Vadim Altaev, nước ngọt của Nga có thể mang lại giá trị xuất khẩu tương đương với dầu khí. “Các nhà khoa học từ nhiều quốc gia trên thế giới dự báo rằng nước uống sẽ trở thành “sản phẩm số một” trong tương lai không xa. Chúng ta có thể sống không cần dầu khí nhưng chẳng thể không có nước. Trong khi đó, Nga là một trong những quốc gia có trữ lượng nước sạch lớn nhất hành tinh”, ông Altaev tự hào nói. Ông này nhận định nhu cầu về nước ngọt trên thế giới sẽ vô tận bởi tình trạng biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều quốc gia phải nhập khẩu nước ngọt. Chẳng hạn, Bắc Phi và Trung Đông sẽ là những khu vực đầu tiên phải mua nước ngọt của Nga. Theo ông Altaev, tới đó, người ta có thể xuất khẩu nước ngọt bằng các đường ống đại loại như đường ống dẫn dầu khí hiện nay. Một ưu thế nữa của Nga là có kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển chất lỏng với khối lượng khổng lồ. Trước đây, Liên Xô từng sử dụng tàu chở dầu để vận chuyển rượu đến những nơi xa xôi.

Giá trị thật của nước ngọt dù còn khiêm tốn nhưng đến lúc nào đó có thể theo kịp dầu mỏ. Thực tế, giá một lít nước lọc hiện vào khoảng 10 ruble, hơn 2/3 so với giá dầu (14-15 ruble/lít). Nếu Nga xuất khẩu được nước ngọt thì rõ ràng giá trị mang về sẽ không thua kém dầu khí.

Các chuyên gia quốc tế nhận định một loạt quốc gia lớn như Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ, Pakistan... và cả nhiều bang của nước Mỹ sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước ngọt trong tương lai. Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) mới đây cảnh báo viễn cảnh khan hiếm nước ngọt còn có thể tồi tệ hơn do các dải núi băng trên thế giới như Andes, Alps và Hy Mã Lạp Sơn sẽ tan nhanh hơn mức dự báo. Băng tan nhanh sẽ cuốn theo nguồn nước ngọt làm hàng trăm triệu người đứng trước nguy cơ mất nguồn nước uống phải bỏ làng mạc đi lánh nạn.

PHÚC NGUYÊN (Theo Pravda, Epochtimes)

Chia sẻ bài viết