06/07/2019 - 08:15

Nỗi thống khổ của di dân ở Libya 

Sau cuộc không kích đẫm máu vào một trung tâm giam giữ người di cư tại Libya, tối 3-7 lại có thêm 82 người di cư mất tích và có thể đã thiệt mạng sau khi con tàu của họ bị lật trong chuyến vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

Một trung tâm giam giữ người di cư ở phía Tây Tripoli. Ảnh: AFP

Một trung tâm giam giữ người di cư ở phía Tây Tripoli. Ảnh: AFP

Chiếc tàu chở 86 người di cư chìm ngoài khơi Tunisia, vài ngày sau khi rời thành phố cảng Zwara, Libya. Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM), một trong 4 người được các ngư dân cứu sau đó đã không qua khỏi. Thông tin về vụ mất tích xảy đến khi số người chết trong vụ không kích vào sáng sớm cùng ngày tại trung tâm giam giữ người di cư Tajoura thuộc ngoại ô thủ đô Tripoli đã lên tới ít nhất 53 nạn nhân và hơn 130 người khác bị thương. Đây là nơi giam giữ 600 người. Có thông tin cho rằng lực lượng bảo vệ trung tâm đã xả súng vào những người tị nạn đang tìm cách thoát thân.

Sau vụ tấn công thương tâm, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã gióng lên hồi chuông báo động về điều kiện giam giữ mất vệ sinh và quá tải tại các trại di cư ở quốc gia Bắc Phi. NGO sốc trước tình trạng suy dinh dưỡng nặng, lao động cưỡng bức, tra tấn mà người di cư và tị nạn đang phải chịu đựng. 10 tổ chức NGO tại Libya, bao gồm Hội đồng tị nạn Đan Mạch và PUI của Pháp, hồi tháng 5 đã phải lên tiếng phản đối các điều kiện giam giữ “phi nhân tính” ở các trung tâm. Theo mô tả của người đứng đầu PUI Benjamin Gaudin, điều kiện tại 6 cơ sở giam giữ chính thức là “khó có nước sinh hoạt, đôi khi thiếu cả nước uống, không nhận đủ thức ăn hoặc thậm chí trong thức ăn có cả giòi lúc nhúc”. Tháng rồi, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết ít nhất 22 người đã chết do mắc bệnh lao tại một trung tâm ở thị trấn Zintan thuộc phía Tây Libya kể từ tháng 9-2018. Cả trung tâm này chứa 700 con người, nhưng chỉ có 4 nhà vệ sinh và họ cũng không được phép ra ngoài để thấy ánh nắng Mặt trời. Những người tị nạn và di cư tại trung tâm Tajoura còn tố rằng họ bị ép làm việc trong các kho vũ khí lân cận hoặc phải hỗ trợ lực lượng dân quân chiến đấu.

Trong khi đó, những đoạn phim đau lòng ghi lại hình ảnh bên trong các nhà tù ngầm do bọn buôn người quản lý cho thấy cảnh tra tấn tàn bạo người di cư, bao gồm đốt chân bằng mỏ hàn hoặc treo lên trần nhà, hòng đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân. Chưa rõ số lượng người bị giam giữ trái phép trong các trung tâm của bọn buôn người. Tuy nhiên, số người “kẹt” trong các trung tâm hợp pháp tại Libya là ít nhất 5.200 người, chủ yếu đến từ những quốc gia bất ổn như Sudan, Somalia và Eritrea, theo số liệu của IOM. Trong số này, hơn 3.000 trường hợp bị giam tại những khu vực ảnh hưởng bởi xung đột vốn nổ ra hồi đầu tháng 4.

Lỗi của EU?

Theo NGO, người di cư chịu tình cảnh khốn khổ như thế là do một thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và lực lượng tuần duyên Libya nhằm ngăn cản người di cư đặt chân lên bờ biển châu Âu bằng tàu thuyền. Kể từ tháng 1-2019, hơn 2.300 người đã bị chặn lại trên biển và đẩy trở về Libya. Tại đây, họ được đưa đến các trung tâm như ở Tajoura. Do vậy, các NGO kêu gọi EU ngừng trả người di cư về Libya. Thật ra, giải pháp của EU đạt hiệu quả cao, khi số lượng người di cư vào châu Âu qua ngả Địa Trung Hải đã giảm từ 180.000 trường hợp hồi năm 2016 xuống còn 23.400 trường hợp năm ngoái và 880 người trong 4 tháng đầu năm 2019.

Về phần mình, EU tuyên bố không ngó lơ trước tình cảnh “hãi hùng” của người tị nạn và di cư kẹt ở Libya, đồng thời yêu cầu đóng cửa các trung tâm giam giữ tại đây. Được biết ngày 4-7, Chính phủ lâm thời Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hiệp Quốc công nhận cho biết đang xem xét đóng cửa toàn bộ các trung tâm nói trên và phóng thích những người tị nạn và di cư để đảm bảo tính mạng cho họ.

Libya đã trở thành “điểm tập kết” của người di cư tìm đường đến “miền đất hứa” sau khi chế độ Moammar Gadhafi bị lật đổ hồi năm 2011. Khi đó, quốc gia Bắc Phi rơi vào hỗn loạn, ngày càng nhiều nhóm dân quân xuất hiện trong khi quyền lực trung ương bị xâu xé. Hiện nay, chính phủ GNA quản lý phía Tây Libya, nhưng phần lớn quyền lực rơi vào tay các lực lượng dân quân. Còn Đông Libya thì nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ đối lập vốn liên minh với lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.

THANH BÌNH (Theo AFP, Telegraph)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
di dân Libya