|
Một góc Thủ phủ Hagatna của Guam.
Ảnh: Wikipedia |
Quân đội Mỹ hiện đang bắt đầu tiến hành di chuyển 8.000 thủy quân lục chiến từ đảo Okinawa của Nhật Bản đến đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ngoài số binh sĩ trên, thân nhân của họ và các đơn vị hậu cần đi theo lên đến 34.000 người nữa. Như vậy, với 42.000 “cư dân mới”, dân số xứ đảo rộng 541 cây số vuông này sẽ tăng thêm 25% so với 175.000 người hiện nay.
Chính quyền đảo Guam cho biết họ không hề được tham vấn về thỏa thuận chuyển quân giữa Washington và Tokyo. Hiện tại, quân đội Mỹ có căn cứ không quân Andersen và hải quân Apra Harbor trên đảo Guam với sự có mặt của 3.000 nhân viên không quân, 2.000 nhân viên hải quân cùng 1.000 nhân viên các cơ quan an ninh khác. Căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam là một trong 6 căn cứ quân sự quan trọng nhất của Lầu Năm Góc ở hải ngoại. Để thực hiện việc di dời, chính phủ Nhật đồng ý trả 6 tỉ USD trong tổng chi phí ước tính 10 tỉ USD cho quân đội Mỹ.
Đối với nhiều người dân Guam, có thêm 42.000 “cư dân mới” sẽ làm gia tăng căng thẳng về nhu cầu kết cấu hạ tầng như đường sá, hệ thống điện, cung cấp và thoát nước. Nhưng điều mà họ lo lắng hơn cả là nguy cơ tác động đến nền văn hóa, giáo dục và an ninh tại hòn đảo này. Trong những năm qua, nhân viên quân sự Mỹ và dân địa phương luôn xung khắc nhau vì quá chênh lệch về điều kiện sống. Quân đội Mỹ và thân nhân của họ được sống trong điều kiện tốt nhất, còn cư dân địa phương thì trái lại. Mới đây, chính quyền Guam đã bị sốc khi căn cứ không quân Andersen chi 27 triệu USD xây chỗ ở cho súc vật, vị chi mỗi con ở trong không gian trị giá 100.000 USD, trong khi Guam không có tiền xây các công trình công cộng phục vụ người dân. Đặc biệt, binh sĩ Mỹ tại Okinawa từng gây ra nhiều vụ hãm hiếp nữ sinh và trẻ em gái khiến người dân Guam bị ám ảnh về những “sự cố” tương tự đối với con em họ trong tương lai.
Guam từ xa xưa là một hòn đảo tự do. Thổ dân Chamorros, hiện chiếm 37,1% cư dân, sinh sống trên đảo này cách đây gần 4.000 năm trước khi có thêm nhiều người gốc châu Á đến. Guam bị thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm năm 1668 và bị Mỹ đô hộ sau cuộc chiến giữa Mỹ và Tây Nha Nha năm 1898. Guam lúc bấy giờ được coi là địa điểm “nghỉ chân” giữa đường của tàu thuyền Mỹ trong lịch trình đến Philippines. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Guam bị quân phát xít Nhật đánh chiếm từ tháng 12-1941 và 3 năm rưỡi sau quân đội Mỹ tái chiếm vùng đất này. Năm 1950, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết coi Guam là một trong 16 “vùng lãnh thổ chưa được sáp nhập” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Đảo Guam giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự và an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy Lầu Năm Góc quyết định tăng cường bố trí quân tại đây sau khi người dân xứ Hoa anh đào bắt đầu ngán ngẩm sự hiện diện quân sự quá lớn của quân đội Mỹ (trước khi chuyển bớt quân sang Guam, Mỹ có hơn 40.000 binh sĩ tại Nhật Bản).
KIẾN HÒA (Theo Antiwar)