26/11/2020 - 05:11

Nội các “đa sắc màu” của ông Biden 

Tái khẳng định cam kết thành lập chính quyền phản ánh sự đa dạng của nước Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden (ảnh) hôm 24-11 chính thức công bố loạt đề cử bổ nhiệm cao cấp mà theo ông là đưa Washington trở lại vai trò dẫn dắt thế giới.

Phát biểu tại bang Delaware, ông Biden cho biết qua những người được lựa chọn, có thể thấy hình ảnh nước Mỹ một lần nữa “bước lên vị trí dẫn đầu, không phớt lờ đồng minh, sẵn sàng đương đầu với đối thủ và đấu tranh vì những giá trị của mình”. Cam kết đội ngũ quan chức và giới ngoại giao không bị “chính trị hóa”, ông Biden tin tưởng nội các mới sẽ khôi phục và viết tiếp chính sách sách đối ngoại, an ninh quốc gia cho thế hệ tiếp theo.

Ưu tiên sự đa dạng

Theo các nhà quan sát, lựa chọn của ông Biden cho nhiều vị trí hàng đầu trong chính quyền được giới trung dung của đảng Dân chủ ủng hộ; đồng thời khiến công chúng chú ý khi tập hợp những gương mặt kỳ cựu về chính sách, phụ nữ có thành tích và người da màu so với nội các chủ yếu là nam giới và người da trắng của chính quyền Donald Trump.

Sự đa dạng này phản ánh ngay từ vị trí cấp phó của ông Biden, thượng nghị sĩ Kamala Harris. Nếu chiến thắng của đảng Dân chủ chính thức được xác nhận, nước Mỹ sẽ có nữ Phó Tổng thống đầu tiên và do người da màu đảm nhiệm. Tính đa sắc tộc trong giá trị Mỹ còn được thể hiện qua việc ông Biden đề cử nữ chính khách gốc Phi Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và luật sư gốc Latinh Alejandro Mayorkas đứng đầu Bộ An ninh Nội địa. Bằng cách bổ nhiệm các nữ lãnh đạo đầu tiên tại Bộ Tài chính, Tình báo Quốc gia và sắp tới có thể bao gồm Bộ Quốc phòng, lời hứa của ông Biden về việc ưu tiên phụ nữ tiếp tục được duy trì và trở thành trung tâm trong Phòng Bầu dục.

Những lựa chọn ấn tượng

Với hầu hết các ứng viên theo đường lối ôn hòa, việc cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen giữ ghế Bộ trưởng Tài chính đặc biệt được phe cấp tiến hoan nghênh và giành sự tôn trọng từ phe Cộng hòa cũng như hài lòng của giới tài phiệt Phố Wall. Động thái này được nhìn nhận có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với nỗ lực hàn gắn nội bộ của ông Biden. Một trong những đề cử được chờ đợi khác là bà Michele Flournoy cho vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc. Nếu được chọn, bà Flournoy - từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Barack Obama - sẽ đi vào lịch sử khi phá vỡ những rào cản về việc phụ nữ được chọn làm lãnh đạo quân đội.

Việc cựu Ngoại trưởng John Kerry được chỉ định làm đặc phái viên tổng thống về khí hậu và giữ một vị trí trong Hội đồng An ninh Quốc gia cũng thu hút sự chú ý. Đây là nét tương phản rõ nhất khi so với chủ trương phủ nhận biến đổi khí hậu của chính quyền Trump. Về đối ngoại, ông Biden chủ trương xóa bỏ cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết”, hướng tới mục tiêu khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu, củng cố sức mạnh Mỹ thông qua chiến lược hồi sinh hệ thống liên minh.

Thách thức

Ngoại trừ hai ông Kerry và Jake Sullivan (Cố vấn An ninh Quốc gia), những đề cử khác cần có sự xác nhận của Thượng viện vốn có thể tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa. Theo Hãng tin AP, một số thành viên Cộng hòa tại Thượng viện đã trực tiếp tỏ thái độ trước các lựa chọn của ông Biden. Trong đó, hai ngôi sao trong giới chính trị gia bảo thủ là thượng nghị sĩ Tom Cotton và Marco Rubio đã mạnh mẽ chỉ trích vòng tròn thân cận mà ông Biden định hình sẽ củng cố cách tiếp cận mềm mỏng trước Trung Quốc và mở đường cho “sự suy tàn của nước Mỹ”. Quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh vốn là chủ đề nóng trong đảng Cộng hòa, được phản ánh qua cách tiếp cận đối đầu của Tổng thống Trump trong 4 năm qua.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết