29/06/2021 - 08:40

Nở rộ chứng nhận tiêm vaccine giả tại Nga 

Thị trường chợ đen buôn bán chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 giả đang nở rộ tại Nga sau khi Thị trưởng Mát-xcơ-va Sergei Sobyanin tuyên bố việc tiêm vaccine COVID-19 là bắt buộc đối với hầu hết nhân viên lĩnh vực dịch vụ.

Giá cả vô chừng

Một người Nga tiêm vaccine Sputnik V. Ảnh: TASS

Một người Nga tiêm vaccine Sputnik V. Ảnh: TASS

Theo tờ Bưu điện Washington, khách hàng tiềm năng của thị trường chợ đen nói trên là những người do dự tiêm vaccine ngay cả trong bối cảnh các ca nhiễm SARS-CoV-2 không ngừng gia tăng. Tính đến hôm 28-6, Nga ghi nhận hơn 5,4 triệu ca nhiễm COVID-19 với trên 133.000 trường hợp tử vong. Họ đa phần làm việc trong nhà hàng hoặc quán bar.

Vụ việc được phơi bày sau khi một nhân viên pha chế cung cấp cho báo chí bản sao tin nhắn Instagram. Trong một tin nhắn, người này đã hỏi một tài khoản về mức phí phải trả để có được chứng nhận tiêm vaccine giả và ngay lập tức nhận được phản hồi rằng để nhận được chứng nhận, chỉ cần trả 25USD và cung cấp thông tin cá nhân. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Nga tiết lộ, mỗi chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 giả có giá lên tới 66USD.

Hoạt động buôn bán chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 giả nổ ra khi Mát-xcơ-va yêu cầu 60% lao động thường xuyên tiếp xúc với công chúng, như giáo viên, tài xế taxi, nhân viên bán hàng…, hoặc là tiêm vaccine, hoặc là phải tìm việc khác. Đặc biệt, người sử dụng lao động phải chịu các khoản phạt rất nặng nếu như nhân viên của họ không tuân thủ quy định đặt ra. Quy định cũng yêu cầu các nhà hàng và quán bar chỉ tiếp đón những người có mã QR xác nhận đã tiêm vaccine hoặc giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus Corona bằng phương pháp PCR trong vòng 3 ngày trước đó. Chính quyền Mát-xcơ-va thậm chí cảnh báo, các bệnh viện có quyền từ chối chăm sóc y tế thông thường cho những người chưa được tiêm vaccine.

Theo Tạp chí Forbes, tính đến giữa tháng 6, có đến 500 trang web bán chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 giả. Chứng nhận cũng được rao bán trên ứng dụng nhắn tin Telegram cũng như trên các diễn đàn web đen. Đến nay, Cơ quan giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor đã cho đóng cửa 150 trang web và xóa nhiều tài khoản bán chứng nhận giả. Trong khi đó, chính quyền Mát-xcơ-va khởi tố 24 vụ án hình sự đối với những kẻ tình nghi cung cấp chứng nhận giả và bắt giữ một số người vận chuyển chứng nhận cho khách hàng. Bên cạnh đó, giới chức Nga cung cấp cho người đã tiêm vaccine một mã QR, thay vì chỉ cấp giấy chứng nhận thông thường.

Mất lòng tin vào vaccine

Nga là quốc gia đầu tiên cho phép tiêm vaccine Sputnik V đại trà vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay chỉ 15% cư dân thủ đô Mát-xcơ-va được tiêm vaccine, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cho toàn bộ 146 triệu dân nước này chỉ ở mức 11,5%, thấp hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu, ngoại trừ Bắc Macedonia.

Dù Sputnik V được hơn 60 quốc gia cấp phép sử dụng, 62% người Nga trong cuộc khảo sát do Trung tâm Levada thực hiện hồi tháng 4 cho biết nhất quyết không tiêm loại vaccine này. Trong khi đó, 55% người Nga trong cuộc khảo sát hồi tháng 5 của Levada tuyên bố rằng họ sợ tiêm vaccine hơn là sợ nhiễm COVID-19.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Pavel Volchkov, Giám đốc Phòng thí nghiệm kỹ thuật gien của Đại học Vật lý Kỹ thuật Mát-xcơ-va, cho rằng những phản ứng bất lợi đối với vaccine của Hãng AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) và vaccine do các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế được phát trên các kênh truyền hình nhà nước Nga đã góp phần gây ra nỗi sợ hãi của người dân đối với tất cả các loại vaccine, gồm Sputnik V. Còn Sergey Kolesnikov, chuyên gia nghiên cứu hệ thống chăm sóc sức khỏe Nga tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói rằng chính việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã khiến người dân không có động cơ tiêm vaccine, bởi họ nghĩ rằng virus Corona đã bị đánh bại hoàn toàn.

Theo Pavel Brand, Giám đốc chuỗi phòng khám tư nhân Klinika Semeynaya ở Mát-xcơ-va, ngoài mua chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 giả trên thị trường chợ đen, người dân Nga có thể có được chứng nhận bằng những phương pháp khác “đơn giản hơn nhiều” do bộ máy y tế quan liêu của Nga. “Mọi người chỉ cần đến phòng khám và đưa cho y tá một khoản tiền nhất định thì có thể vứt bỏ liều vaccine và nhận chứng nhận giả. Phương pháp này phổ biến ở Nga đến mức nó được y tá áp dụng trong nhiều năm đối với các bà mẹ do dự tiêm chủng cho con mình” - ông Brand nói.

Trong lời kêu gọi phát trên sóng phát thanh ngày 28-6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi người dân nước này tin tưởng vào hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 và đi tiêm chủng, qua đó góp phần vào nỗ lực chung phòng chống đại dịch trong nước. Thủ tướng Modi kêu gọi người dân không nên tin vào những lời đồn thổi tiêu cực, không có căn cứ khoa học về vaccine phòng bệnh COVID-19. Ông đồng thời nhấn mạnh tiêm chủng vaccine là cách người dân có thể phòng chống cũng như ngăn ngừa các biến chứng cũng như di chứng nặng do mắc COVID-19.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, hiện nước này đã tiêm chủng hơn 321 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 5,6% người trưởng thành ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine. Kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng từ ngày 16-1 đến nay, Ấn Độ sử dụng 2 loại vaccine sản xuất trong nước là Covishield và Covaxin cùng Sputnik V của Nga.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết