11/09/2008 - 07:34

Đề án Cần Thơ - 150

Những "quả ngọt" đầu tiên

Đề án Cần Thơ - 150 được khởi động từ năm 2005 với mục tiêu đào tạo ở nước ngoài 150 thạc sĩ, tiến sĩ cho TP Cần Thơ. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có những ứng viên đầu tiên của đề án tốt nghiệp thạc sĩ trở về. Những “quả ngọt” đầu tiên của đề án Cần Thơ - 150 đang ấp ủ rất nhiều dự định đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

* Trần Thị Tú Dung - Thạc sĩ Quản lý Du lịch: Thích nghi điều kiện công tác mới để phát huy hiệu quả kiến thức đã học

 

Tôi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Quản lý Du lịch tại Trường Đại học Queensland, Úc. Đây là chương trình đào tạo về quản lý và định hướng quản lý ngành du lịch. Tôi có tìm hiểu về du lịch TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung qua một số tài liệu, hội thảo. Tôi thấy Cần Thơ cũng như ĐBSCL có những thế mạnh du lịch riêng so với các vùng, miền khác trong cả nước. Tôi hy vọng, khi tiếp xúc với thực tế, tôi sẽ đưa ra được những ý tưởng hoặc những đóng góp để ngành du lịch Cần Thơ phát triển; đồng thời, có cơ hội tham gia vào các đề án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch của thành phố.

Trở về, được phân công nhiệm vụ, điều đầu tiên tôi xác định là thành phố đã tạo điều kiện cho mình đi học, mở rộng kiến thức thì khi học xong phải về phục vụ cho sự phát triển của thành phố. Trước khi du học, tôi chỉ mới đi làm 2 năm nên kinh nghiệm thực tế không nhiều. Tôi cũng nhận thức được rằng điều kiện công tác ở Việt Nam và nước ngoài sẽ không giống nhau, vì vậy bản thân phải biết thích nghi với điều kiện làm việc để có cơ hội phát huy kiến thức đã học...

* Doãn Minh Đăng, Thạc sĩ Hệ thống và Điều khiển: Mang kiến thức tiên tiến đã học về góp phần xây dựng thành phố

 

Tôi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Hệ thống và Điều khiển tại Trường Đại học Kỹ thuật Delft, Hà Lan và Trường Delft đã đồng ý cấp học bổng toàn phần cho tôi làm nghiên cứu sinh. Được chọn tham gia Đề án Cần Thơ- 150, tôi nghĩ phải nỗ lực học tập để xứng đáng với sự đầu tư và kỳ vọng của thành phố. Ngay từ đầu tôi đã mong muốn được học tập và nghiên cứu tại một trường đại học nào đó của TP Cần Thơ và mong muốn này đã thành sự thật khi tôi được phân công về Trung tâm Đại học Tại chức.

Từ kinh nghiệm của các anh chị đi trước, tôi cũng biết được rằng phần nhiều du học sinh trở về nước sau thời gian du học thường cảm thấy hụt hẫng với điều kiện làm việc trong nước, nên không phát huy được kiến thức đã học. Vì vậy, bản thân tôi xác định rõ là phải tìm cách khắc phục tâm trạng này. Tôi sẽ cố gắng nắm bắt thực tế, học tập từ các đồng nghiệp, tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc, dần dần hoàn thiện mình để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc được phân công.

Cần Thơ đang trong giai đoạn phát triển, tất nhiên, điều kiện nghiên cứu không bằng ở các trường đại học nước ngoài. Nhưng tôi tin rằng trong tương lai không xa, Cần Thơ sẽ là trung tâm động lực của ĐBSCL, thu hút được nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực đến làm việc, nghiên cứu.

* Nguyễn Phương Quân, Thạc sĩ Quản lý Giáo dục: Quan tâm vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học

 

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý Giáo dục, Đại học RMIT Melbourne (Úc), trở về nước, nguyện vọng của tôi là được làm việc liên quan đến chuyên ngành đã học để đem kiến thức mà mình lĩnh hội được góp phần phát triển giáo dục địa phương. Trong quá trình học tập ở nước ngoài, tôi nhận thức được rằng chưa bao giờ tri thức giữ vai trò quan trọng như ngày nay và tri thức là động lực cho sự phát triển đất nước. Những năm gần đây, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, đội ngũ trí thức là lực lượng chủ chốt góp phần phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia cũng như thế giới. Ngành giáo dục đóng vai trò hết sức đặc biệt trong việc giải quyết bài toán tri thức này.

Quản lý giáo dục phải hiểu bản chất của giáo dục. Trong quá trình học tập, tôi đã cố gắng lĩnh hội những kiến thức về bản chất của việc dạy và học, cấu trúc của trường học, chính sách giáo dục, hoàn cảnh giáo dục, các kiến thức chung cho việc quản lý... Được phân công về Trường Cao đẳng Cần Thơ, tôi sẽ cố gắng vận dụng những kiến thức đó vào thực tế, nhất là về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Đề án Cần Thơ - 150 tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận và mở mang kiến thức để sau đó trở về chung sức phục vụ cho sự phát triển của TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều bạn trẻ biết đến đề án này và nỗ lực học tập để đủ điều kiện tham gia vào đề án, góp phần tạo nên đội ngũ trí thức trẻ, tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phong cách làm việc... của các nước tiên tiến.

* Nguyễn Thị Xuân Đan, Thạc sĩ Quản lý Xây dựng – Kỹ thuật và Cơ sở Hạ tầng: Ấp ủ ước mơ nâng cấp cơ sở hạ tầng ĐBSCL

 

Tham gia vào đề án Cần Thơ- 150, tôi theo học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Xây dựng- Kỹ thuật và Cơ sở Hạ tầng tại Đại học AIT (Thái Lan). Ngành Quản lý Xây dựng- Kỹ thuật và Cơ sở Hạ tầng tập trung đào tạo về: sử dụng mô hình hệ thống trong việc lập kế hoạch xây dựng; điều chỉnh, tính toán dự án; những tiến trình cần thiết cho việc qui hoạch phát triển mới hệ thống cơ sở hạ tầng; bảo trì và đảm bảo hoạt động liên tục của hệ thống hiện có...

Trong quá trình học tập ở Thái Lan, tôi đã học được cách lập kế hoạch xây dựng, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng... Cơ sở hạ tầng ở Bangkok (Thái Lan) cũng có những nét tương tự Việt Nam. Tôi hy vọng có thể mang một phần kiến thức đã thu nhận được đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Đặc biệt, tôi ấp ủ ước mơ thực hiện đề án nâng cấp cơ sở hạ tầng ĐBSCL vì hiện nay vùng đất này thấp, khi triều cường thường bị ngập.

Tiến độ đề án Cần Thơ - 150:

- Đã có 122/ 136 ứng viên được xét duyệt
- 60 ứng viên đã và đang học tại nước ngoài.
- 15 ứng viên đang học Anh văn tại Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học Cần Thơ (từ Module 1 đến Module 4).
- 6 ứng viên đã hoàn thành thủ tục đi học nước ngoài.
- Đã có 4 ứng viên tốt nghiệp, trở về nước. Từ nay đến cuối năm 2008, sẽ có thêm 4 ứng viên tốt nghiệp.

Ai cũng biết hạ tầng cơ sở, giao thông yếu kém là một trong những nguyên nhân kiềm chế tốc độ phát triển của ĐBSCL. Phát triển hạ tầng cơ sở và giao thông đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Tôi được phân công công tác tại Sở Xây dựng TP Cần Thơ. Đây là công việc khá phù hợp với chuyên ngành mà tôi đã học. Sắp tới, tôi mong TP Cần Thơ có nhiều dự án phát triển đô thị cũng như cơ sở hạ tầng mới để tôi ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc.

HÀ THANH - THÚY DIỄM

Chia sẻ bài viết