26/04/2008 - 12:29

Quan hệ Israel và Syrie:

Những quả bóng thăm dò ?

Người Syrie tại Cao nguyên Golan biểu tình phản đối sự chiếm đóng của Israel. Ảnh: AFP

Tổng thống Syrie Bashar Assad hôm 24-4 tiết lộ Thủ tướng Israel Ehud Olmert vừa gởi thông điệp tới Syrie rằng Tel Aviv sẽ trao trả Cao nguyên Golan để đổi lấy thỏa thuận hòa bình với Damas. Ông Assad cho biết Syrie có thể tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel, một khi Mỹ có chính quyền mới làm trung gian cho tiến trình này. Tuyên bố trên cho thấy dấu hiệu tiến bộ trong các cuộc tiếp xúc (do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian) giữa hai quốc gia thù địch lâu nay, nhất là sau cuộc không kích của Israel nhằm vào một địa điểm được cho là cơ sở hạt nhân trên lãnh thổ Syrie hồi năm ngoái. Tuy nhiên, đến giờ Thủ tướng Olmert vẫn giữ thái độ im lặng, không khẳng định cũng không phủ nhận thông tin trên.

Với diện tích 1.800km2 giáp biên giới Israel, Syrie, Liban và Jordanie, Cao nguyên Golan có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với các nước. Từ khi Israel chiếm đóng vùng đất này trong Cuộc chiến sáu ngày năm 1967, các cuộc thương lượng (gần đây nhất là vào năm 2000) giữa Syrie và Israel đều thất bại. Mâu thuẫn mấu chốt là Israel muốn giữ lại vùng duyên hải bao quanh biển Galilee để đảm bảo kiểm soát nguồn cung cấp nước, nhưng Syrie bác bỏ.

Tổng thống Assad cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Damas vào hôm nay 26-4, ông sẽ thảo luận khả năng đàm phán trực tiếp với Israel. Vốn có quan hệ tốt với Israel, Syrie và Mỹ, nên vai trò “cầu nối” của Thổ Nhĩ Kỳ được Tổng thống Assad tin tưởng. Mặc dù xem Mỹ là nước duy nhất có thể bảo trợ cho các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Syrie và Israel, nhưng ông Assad cho rằng chính quyền Tổng thống George Bush (hết nhiệm kỳ vào tháng 1-2009) “không có tầm nhìn hay thiện chí cho tiến trình hòa bình”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ông Assad công bố vấn đề Cao nguyên Golan vào thời điểm Quốc hội Mỹ đang tổ chức phiên điều trần về mối liên hệ hạt nhân giữa Syrie và CHDCND Triều Tiên, là nhằm làm chệch hướng sự quan tâm của dư luận.

Về phía Israel, Thủ tướng Olmert chưa công khai việc trao trả Cao nguyên Golan, mà chỉ nói rằng sẵn sàng nối lại đàm phán với Syrie nếu nước này ngừng hỗ trợ cho lực lượng dân quân Hezbollah ở Liban và phong trào Hamas ở Palestine. Trong khi đó, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp Hội đồng địa phương hôm 24-4, các nhà lãnh đạo Israel tại Golan khẳng định cao nguyên này thuộc về người Israel và cho biết họ vẫn tiếp tục xây dựng và phát triển vùng đất có hơn 20.000 người Israel và khoảng 53.000 người Syrie sinh sống này. Làn sóng phản đối ông Olmert cũng dâng cao trong Quốc hội Israel (Knesset). Chủ tịch Ủy ban Hạ viện David Tal, thành viên đảng Kadima của ông Olmert, tuyên bố sẽ chống lại quyết định của thủ tướng và thúc đẩy sớm thông qua luật về Cao nguyên Golan, vốn kêu gọi trưng cầu ý dân để quyết định tương lai của vùng đất này, khi Knesset nhóm họp trở lại vào tuần tới. Yuval Steinitz, nghị sĩ đảng Likud đối lập, chỉ trích ông Olmert là “vô cùng thiếu trách nhiệm, cả về mặt chính trị lẫn quốc phòng”. Ông Steinitz cho rằng Israel sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng trong việc tự bảo vệ nguồn cung cấp nước nếu không có Cao nguyên Golan.

Xem ra, những động thái từ cả hai phía Israel và Syrie chỉ là những quả bóng thăm dò, mỗi phía đều nhắm tới những mục đích riêng. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng một hiệp định hòa bình giữa Israel và Syrie còn rất xa vời.

N.MINH

(Theo AP, AFP, Jerusalempost, Guardian)

Chia sẻ bài viết