18/03/2022 - 20:17

Những kế hoạch lớn của Triều Tiên 

HẠNH NGUYÊN

Vụ phóng thử tên lửa bị nghi là thất bại gần đây khó có thể ngăn lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo đuổi những kế hoạch lớn trong năm nay nhằm tăng cường kho vũ khí hạt nhân để thách thức Mỹ.

Triều Tiên trình làng tên lửa Hwasong-17 trong cuộc duyệt binh hồi tháng 10-2020. Ảnh: Military Russia

Hàn Quốc cho rằng tên lửa mà Bình Nhưỡng khai hỏa hôm 16-3 đã phát nổ trên không trung không lâu sau khi rời bệ phóng. Chưa rõ khi nào Triều Tiên sẽ thực hiện một vụ phóng khác. Nhưng điều mà giới quan sát đồng tình là mục tiêu tiếp theo của Triều Tiên: phóng vệ tinh do thám, cũng đồng thời là thử nghiệm công nghệ cho một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang nhiều đầu đạn hạt nhân và có khả năng nhắm chính xác toàn bộ nước Mỹ. Thành công này sẽ cho phép nhà lãnh đạo Kim Jong-un bổ sung những hệ thống vũ khí mới vào kho khí tài, gia tăng sự ủng hộ trong nước và có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Washington.

“Quái vật” Hwasong-17 và vệ tinh do thám

Vài ngày trước “vụ phóng thất bại”, Bình Nhưỡng đã khai hỏa 2 tên lửa đạn đạo tầm trung mà nước này nói là nhằm thử nghiệm camera cho một vệ tinh do thám. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Hàn Quốc tin rằng những vụ phóng này thực ra là thử nghiệm hệ thống ICBM mới, lần đầu xuất hiện trong cuộc duyệt binh của Triều Tiên vào năm 2020. Hệ thống này chính là tên lửa Hwasong-17, vũ khí có tầm bắn xa nhất của Triều Tiên và thậm chí được coi là hệ thống tên lửa đạn đạo di động lớn nhất thế giới. Hwasong-17 dài 25m với tầm bắn lên tới 15.000km, đủ xa để tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ.

Triều Tiên còn có các ICBM khác mà những lần phóng thử trong năm 2017 cho thấy chúng có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định “quái vật” Hwasong-17 có thể mang lượng chất nổ lớn hơn hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong các vụ phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 27-2 và 5-3 vừa rồi, Triều Tiên có thể đã thử nghiệm tầng đẩy đầu tiên của tên lửa Hwasong-17. Phía Seoul nói vụ phóng thử hôm 16-3 cũng liên quan đến các bộ phận của Hwasong-17.

Ông Kim Jong-un năm ngoái tuyên bố sở hữu một vệ tinh do thám, một tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn và tấn công chính xác các mục tiêu ở cách xa 15.000km. Triều Tiên cũng đã đưa 2 vệ tinh quan sát Trái đất vào quỹ đạo. Nhưng theo Hãng tin AP, những vụ phóng này chủ yếu là nhằm cải thiện công nghệ tên lửa tầm xa và không có bằng chứng cho thấy các vệ tinh gửi những hình ảnh chụp từ không gian về Triều Tiên.

Theo giới phân tích, Triều Tiên có thể thực hiện một vụ phóng thử trước ngày 15-4, kỷ niệm sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hoặc ngày nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (10-5).

Ý đồ của Bình Nhưỡng

Vụ phóng hôm 16-3 đánh dấu lần thử vũ khí thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay. Theo Giáo sư Park Won-gon tại Ðại học Phụ nữ Ewha, số lượng lớn vụ phóng cho thấy quyết tâm của ông Kim Jong-un nhằm củng cố vị thế cường quốc hạt nhân của Bình Nhưỡng và giành lấy những nhượng bộ từ Washington.

Những hoạt động thử nghiệm vũ khí gần đây cũng là một phần trong nỗ lực cải thiện và hiện đại hóa kho tên lửa, vũ khí hạt nhân của quốc Ðông Bắc Á nhằm đối đầu với “thái độ thù địch” của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên hồi cuối năm 2011, ông Kim Jong-un đã tiến hành hơn 70 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, so với 22 vụ thử trong 17 năm nắm quyền của cố lãnh đạo Kim Jong-il và 9 vụ trong 46 năm nắm quyền của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Chia sẻ bài viết