30/09/2011 - 14:24

Những diễn biến mới ở Syrie

Biểu tình vẫn tiếp diễn tại Syrie. Ảnh: Reuters

Dự thảo nghị quyết trừng phạt Syrie của châu Âu đã không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét do sự phản đối của Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, nhưng tình hình hiện nay ở nước này có thể dẫn đến việc bị áp đặt “vùng cấm bay” theo kịch bản tại Iraq cách đây 20 năm, chứ không giống ở Libye vừa qua.

Theo tờ The Independent (Anh) số ra ngày 29-9, sau khi dự thảo nghị quyết trừng phạt Syrie bị “chết yểu”, các nước Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha đã trình một dự thảo nghị quyết sửa đổi, trong đó chỉ kêu gọi chế độ Damas “chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bạo lực”, chứ không đề cập đến việc đưa vấn đề Syrie ra Tòa án Hình sự Quốc tế và yêu cầu cấm vận vũ khí như ban đầu. Dự thảo nghị quyết này vì thế có thể sớm được thông qua.

Tuy nhiên, Nhật báo Phố Wall của Mỹ hôm qua cho biết liên minh các phe đối lập ở Syrie vừa tổ chức một cuộc họp báo ngay tại Washington để lần đầu tiên thúc giục LHQ áp đặt “vùng cấm bay” chống chính quyền Bashar al-Assad. Yaser Tabbara, thành viên Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC) hành nghề luật sư tại Mỹ, cho biết tổ chức này sẽ thảo luận biện pháp “bảo vệ dân thường” tại cuộc họp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 2-10 tới. Còn ông Radwan Ziadeh, một thành viên khác của SNC, cho rằng một kịch bản thiết lập “vùng cấm bay” rộng 10km tại miền Bắc Syrie giáp với Thổ Nhĩ Kỳ có thể được tính đến nhằm bảo vệ an toàn cho những binh sĩ đào ngũ, giống như “mô hình” đã được LHQ sử dụng tại miền Bắc Iraq năm 1991.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, phần lớn phe đối lập Syrie không muốn bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài, nên Washington cho rằng có thể giúp đỡ họ bằng cách thiết lập các cơ chế “giám sát quốc tế” tại Syrie.

Những kịch bản như vậy được đưa ra trong bối cảnh số binh sĩ Syrie “thoát ly” khỏi quân đội chính phủ đã lên đến hàng ngàn người, và dù họ chưa được tổ chức tốt cũng như trang bị đầy đủ nhưng đang trở thành mối đe dọa đối với chế độ Damas. Đặc biệt, theo hãng tin Anh Reuters, quân nổi loạn mới đây đã lần đầu tiên tổ chức tấn công trực diện vào lực lượng an ninh của chính phủ và điều này có thể khiến Syrie lâm vào nội chiến sắc tộc, nhất là giữa phái Shiite thân chính phủ và phe Sunni của phiến quân, với tác động có thể lan rộng ra toàn khu vực.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống al-Assad đang nỗ lực xoa dịu dân chúng thông qua ngân sách quốc gia năm 2012 đạt mức kỷ lục 26,53 tỉ USD, tăng tới 58% so với năm 2011. Trong số này, khoảng 19 tỉ USD chi cho tiêu dùng, 7,5 tỉ USD đầu tư công. Ngoài ra, chính phủ Syrie cũng cam kết sẽ dành 7,7 tỉ USD trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng, điện và hóa dầu, bảo trợ xã hội và nông nghiệp. Dĩ nhiên, để duy trì sức “chịu đựng” của một nền kinh tế với GDP chưa tới 60 tỉ USD, chính phủ Syrie đang tìm các giải pháp cho ngành công nghiệp dầu mỏ vốn chiếm 30% thu nhập quốc gia nhưng đang bị phương Tây áp đặt lệnh cấm vận ngặt nghèo.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết