Trong khi một số nhà quan sát đang lo ngại tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển các nhà máy hoặc các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc và dời sang một địa điểm nào đó trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc đang sụt giảm, thì một loạt các ghi nhận mới đây của Trung Hoa Nhật báo cho thấy xu hướng gia tăng các khoản đầu tư nước ngoài tại khu vực phía Tây nước này.
|
Các nhà đầu tư nước ngoài tại một hội chợ đầu tư quốc tế hồi đầu tháng 5 tại Trùng Khánh.
Ảnh: China Daily |
Mới đây, ông Kwon Oh-hyun, phó Chủ tịch tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc), đã dẫn một đoàn gồm 20 nhân viên chủ chốt sang tỉnh Tây An hồi tháng 3 để thông báo việc tập đoàn này sẽ chi 7 tỉ USD để sản xuất các máy móc cải tiến tại đây. Nhà máy này sẽ sản xuất chíp điện tử dùng công nghệ flash NAND (một dạng bộ nhớ kỹ thuật số được dùng trong điện thoại thông minh và máy tính bảng). Dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm tới.
Tuy nhiên, Samsung không phải là công ty duy nhất có “hứng thú” đầu tư tại phía Tây Trung Quốc. Năm 2011, công ty sản xuất máy tính Hewlett Packard (Mỹ) và hãng sản xuất điện tử Foxcorn Technology Group cũng đã thông báo sẽ đầu tư 3 tỉ USD tại Trùng Khánh, một thành phố phía Tây Nam Trung Quốc. Hồi đầu tháng 4 năm nay, tập đoàn mô tô Ford cũng đã cho biết hãng này sẽ sửa đổi nhà máy tại Trùng Khánh để làm gia tăng sản lượng hàng năm của hãng này từ 350.000 chiếc xe lên 950.000 chiếc/năm vào năm 2014, trong dự án chung được thực hiện cùng với đối tác kinh doanh là tập đoàn Changan Automobile Group.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã nhận được 116 tỉ USD từ các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong năm 2011, tăng lên 9,72% so với một năm trước đó. Trong số này, khu vực phía Tây Trung Quốc nhận được 11,6 tỉ USD, tăng đến 28,24% so với một năm trước đó. Cũng trong năm ngoái, số tiền đầu tư có xuất phát từ nước ngoài đi vào khu vực phía Tây cũng đã gia tăng với tốc độ nhanh hơn những nguồn đầu tư nước ngoài khác vào khu vực duyên hải của Trung Quốc.
Một trong những nguyên nhân khiến khu vực phía Tây Trung Quốc trở nên “sáng giá” là do khu vực này có nguồn lao động giá rẻ và chi phí hoạt động thấp, dồi dào nguồn cung cấp nhân công có kỹ thuật cao cũng như việc các nơi ăn chốn ở có chất lượng đang dần được cải thiện. Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng giúp khu vực phía Tây bắt kịp cùng sự phát triển của các khu vực duyên hải, bằng cách giới thiệu một chính sách phát triển khu phía Tây vào năm 2000. Hiện tại, tỉnh Thiểm Tây đã có 3.800 km đường cao tốc, một cơ sở hạ tầng được coi là tốt nhất ở bất kỳ một tỉnh nào tại khu vực phía Tây. Còn Trùng Khánh cũng thu hút được 10,53 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 8 trong số các tỉnh thành thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2011.
Theo nhận định của Trung Hoa Nhật báo, làn sóng đầu tư vào khu vực phía Tây Trung Quốc từ các công ty nước ngoài như Samsung và HP sẽ mở ra các cơ hội đầu từ vào khu vực này cho các công ty khác, vốn cũng có ý định nối gót các doanh nghiệp đầu tiên “khai phá” thị trường này.
THÁI THANH (Theo China Daily)