31/10/2012 - 14:19

Những công nghệ huấn luyện não chống stress

Hầu hết chúng ta đều có thể tiếp nhận và làm theo các hướng dẫn về chế độ ăn uống, rèn luyệt tốt cho sức khỏe. Vậy tại sao chúng ta không rèn luyện não bộ để kiểm soát căng thẳng tinh thần (stress) tốt hơn? Một số chương trình huấn luyện thử nghiệm dành cho các vận động viên và cựu binh bước đầu cho thấy huấn luyện tinh thần thực sự có thể giúp chống stress.

Huấn luyện tinh thần cho vận động viên thể thao

Dùng các điện cực để lập bản đồ sóng não (trái) và huấn luyện viên ảo là hai công nghệ chống stress nhiều triển vọng.  

Chuyên gia thần kinh Leslie Sherlin là trưởng bộ phận khoa học của Neurotopia, công ty chuyên cung cấp chương trình huấn luyện tinh thần cho các vận động viên thể thao có trụ sở đặt tại Los Angeles (Mỹ). Ông đã hợp tác với chuyên gia tâm lý thể thao Michael Gervais để rèn luyện các vận động viên tối ưu hóa khả năng của mình trong các cuộc tranh tài căng thẳng, chẳng hạn như các giải đấu lớn của Mỹ như NFL (bóng dầu dục), NBA (bóng rổ) và NHL (khúc côn cầu)...

Theo Gervais, chìa khóa để vận động viên đạt được những màn thể hiện xuất thần là một tinh thần kỷ luật. Các phương pháp mà Gervais và các cộng sự sử dụng để huấn luyện thần kinh kỷ luật khá thú vị. Họ sử dụng những biện pháp nâng cao tinh thần của người phương Đông như tĩnh tâm, thiền, hít thở sâu và phản hồi thần kinh – liệu pháp sử dụng máy thu tín hiệu sóng não như điện não đồ (EEG) rồi có những phản hồi lại với hệ thần kinh bằng một hệ thống máy, như là cách để nói với hệ thần kinh rằng nên giữ ở ngưỡng này thôi. Trong chương trình huấn luyện của mình, nhóm của Tiến sĩ Gervais còn sử dụng kỹ thuật điện não đồ điện tử định lượng (quantitative electroencephalography - QEEG) cho các vận động viên. Họ sử dụng kết quả có được để tạo nên bản đồ não cho từng người. Bản đồ này giúp các chuyên gia tâm lý thể thao có thể đánh giá và xác định các khía cạnh của phong độ trong thi đấu như sự tập trung, tốc độ quyết định, thời gian phản ứng và kiểm soát stress.

Khi não bộ được phác họa, các nhà tâm lý học thử nghiệm các lượt phản hồi thần kinh kéo dài 30 phút để rèn luyện các vận động viên biết cách đạt được những biểu đồ sóng não tối ưu. Ví dụ, vận động viên sẽ ngồi trước màn hình rộng trong khi đầu của họ được bao trùm bởi các cảm biến nhằm kiểm soát hoạt động điện trong não. Người này sau đó tập trung ý nghĩ để đạt được các kiểu sóng não mong muốn, với kết quả được hiển thị trên màn hình. Điều này giống như bạn đang điều khiển trò chơi điện tử bằng suy nghĩ.

Việc huấn luyện trên mang ý nghĩa hướng dẫn cho các vận động viên biết cách phản ứng nhanh trước các nhân tố gây stress, biết cách tập trung vào những tình huống căng thẳng, khắc phục sai lầm, cuối cùng là loại bỏ stress và lấy lại tinh thần khi mọi việc đã qua. Từ nghiên cứu này, các chuyên gia đã thu thập được "ngân hàng" về các kiểu đánh giá của họ sau nhiều năm làm việc với các vận động viên ưu tú. Họ sẽ sử dụng chúng để xác định biểu đồ sóng não tối ưu liên quan đến những thành tích thi đấu cao nhất. Theo Sherlin, các vận động viên ưu tú luyện tập phản hồi thần kinh từ 15-20 lần để học được các kỹ thuật chống stress, còn những người bình thường như chúng ta có thể phải luyện tập khoảng 30 lần.

Huấn luyện cho binh lính chiến đấu

Phối hợp với quân đội và Hollywood, Giáo sư Albert "Skip" Rizzo, Phó giám đốc chương trình y tế ảo tại Viện Công nghệ Sáng tạo của Đại học Nam California (Mỹ), đã phát triển những công nghệ thực tế ảo và trò chơi điện tử hiện đại để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh lâm sàng của các binh sĩ.

Chương trình có tên Sức chịu đựng Stress trong Môi trường Ảo (STRIKE) giúp huấn luyện binh lính những kỹ năng chống chịu và ứng phó tốt hơn trong những chiến trường ảo, trước khi họ bước vào những tình huống căng thẳng thực nơi chiến trường thật. Chương trình thứ hai là Iraq ảo (hay Afghanistan ảo), giúp những binh sĩ trở về từ chiến trường vượt qua chấn thương tâm lý.

Cả hai chương trình STRIKE và Iraq ảo (hay Afghanistan ảo) đều dựa trên liệu pháp tiếp xúc, vốn rất hiệu quả trong việc điều trị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD). Tuy nhiên, hai phương pháp trên cần có sự trợ giúp của các chuyên gia và hoàn cảnh thực nghiệm lâm sàng, trong khi biện pháp đẩy lùi stress mới có tên SimCoach (huấn luyện viên ảo) thì không, bởi nó được thiết kế dành cho việc sử dụng tương tác trên mạng máy tính.

Người sử dụng SimCoach có thể chọn một trong nhiều nhân vật ảo để trò chuyện khi họ cảm thấy sắp bị stress. Các huấn luyện viên ảo có thể hỗ trợ trong vai trò như "người bạn trực tuyến cho bất cứ ai quá nhút nhát khi tìm kiếm sự giúp đỡ, hay những người không muốn gặp mặt thầy thuốc, chuyên gia trị liệu" - John Hart, giám đốc chương trình tại Viện nghiên cứu Công nghệ Sáng tạo cho biết.

Những gì SimCoach làm được là giúp cho những người bị stress và các triệu chứng lo âu bắt đầu cuộc trò chuyện về những gì mà họ có thể sẽ trải qua. Nó cũng cung cấp cho người sử dụng nhiều thông tin hơn về những gì họ có thể sẽ trải nghiệm, gợi ý về những địa điểm tại địa phương nơi họ đến để được chăm sóc sức khỏe và hướng dẫn những bài tập hít thở hay những kỹ thuật giảm stress khác.

LÊ DŨNG (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết