30/05/2011 - 08:51

Nhiệm vụ bất khả thi ?

Cuối tuần rồi, trong khi các máy bay chiến đấu NATO đang tăng cường oanh tạc khu dinh thự của Tổng thống Libye Muammar Gadhafi, Thủ tướng nước này Baghdadi al-Mahmudi đã gọi điện khẩn cấp cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo ông Gadhafi sẵn sàng thương lượng ngừng bắn vô điều kiện với phe nổi dậy và đề nghị Mát-xcơ-va làm trung gian. Cũng trong ngày 27-5, tại khu nghỉ mát Deauville của Pháp nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh thường niên của G8, Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy và Tổng thống Mỹ Barack Obama- hai nước khởi xướng các cuộc ném bom chống ông Gadhafi- đã gặp người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev yêu cầu giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libye, mà trọng tâm là thuyết phục ông Gadhafi từ bỏ quyền lực và đến tị nạn ở quốc gia nào mà ông ta cảm thấy an toàn.

Dĩ nhiên không phải vô duyên vô cớ mà vai trò của Nga lại được đề cao như vậy. Đây là cường quốc duy nhất giữ vị trí trung lập, ít ra là cho tới cuối tuần rồi, đối với cuộc xung đột ở Libye. Tại cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3 về việc cho phép liên quân không kích Libye, Nga bỏ phiếu trắng. Và trong hai tuần trở lại đây, Mát-xcơ-va đã đón tiếp các phái đoàn của phe ủng hộ lẫn phe chống đối ông Gadhafi. Trong khi đó, phương Tây đã cắt đứt mọi liên lạc với các lực lượng thân vị đại tá 69 tuổi có tới hơn 4 thập niên lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này.

Sau một ngày cân nhắc, Mát-xcơ-va đã nhận lời làm nhà trung gian hòa giải. Thứ trưởng Ngoại gia Nga Sergei Ryabkov hôm 28-5 tuyên bố rằng “Đại tá Gadhafi bằng những hành động vừa qua đã tự tước đi tính hợp pháp của mình. Chúng tôi sẽ giúp ông ấy ra đi”. Đây được xem là một sự thay đổi lớn trong lập trường của Nga. Tổng thống Medvedev cho biết trước mắt ông sẽ cử Thượng nghị sĩ Mikhail Margelov, đặc phái viên về châu Phi, tới Libye để tiếp xúc với phe nổi dậy ở thành phố Benghazi, và nếu có cơ hội sẽ ghé Thủ đô Tripoli.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nhiệm vụ của Nga là rất khó khăn. Cho đến giờ, phía ông Gadhafi chỉ chấp nhận thay đổi cách điều hành đất nước thông qua cải cách hiến pháp, trong khi phe nổi dậy và lực lượng ủng hộ họ ở phương Tây khăng khăng buộc nhà lãnh đạo này phải từ chức và sống lưu vong một cách vô điều kiện. Hơn nữa, nếu Gadhafi từ chức, liệu Mát-xcơ-va có thể đảm bảo rằng ông này sẽ không bị đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay xét xử vì tội ác chống lại loài người? Còn nhớ hồi năm 1999, nhà đàm phán hàng đầu của Nga là Viktor Chernomyrdin (sau này trở thành thủ tướng) từng thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Slobodan Milosevic chấp nhận ngừng bắn giữa lúc NATO không kích Nam Tư, nhưng cuối cùng ông này vẫn bị truy tố tại La Hay và chết trong tù năm 2006.

Cũng với cái nhìn khá bi quan, Tổng thư ký Liên đoàn A-rập Amr Moussa nói: “Tôi biết con người này (Gadhafi), tôi không nghĩ ông ấy sẽ chịu từ chức”. Xem ra, không phải không có lý khi có người cho rằng nhiệm vụ của Nga là bất khả thi.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết