|
Tổng thống Pháp Sarkozy tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối tuần rồi. Ảnh: Reuters |
Đầu tuần tới, Pháp sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Việc lãnh đạo tổ chức có 27 quốc gia thành viên này vốn không dễ dàng gì, nay lại càng thêm khó khăn khi hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hồi cuối tuần rồi không giải quyết được cuộc khủng hoảng thể chế sau khi cử tri Ireland nói không với Hiệp ước Lisbon, cũng như chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đối phó với tình trạng giá dầu leo thang.
Tháng Giêng năm nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tự tin nói rằng đến cuối nhiệm kỳ của Pháp, EU sẽ có một chính sách chung về năng lượng, quốc phòng và di cư. Dù lúc ấy tình hình EU chưa rối rắm như bây giờ nhưng nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của tuyên bố đó, bởi những vấn đề nói trên liên quan trực tiếp tới an ninh và chủ quyền của các quốc gia thành viên nên thường gây ra các cuộc tranh cãi nảy lửa. Giờ đây, với những vấn đề mới phát sinh, xem ra trách nhiệm của Pháp trong 6 tháng làm chủ tịch EU sẽ hết sức nặng nề.
Tại cuộc gặp trong hai ngày 19 và 20-6 ở Bỉ, các nhà lãnh đạo EU nhất trí cho Ireland thêm thời gian và sẽ thảo luận biện pháp cứu lấy Hiệp ước Lisbon tại hội nghị thượng đỉnh kỳ tới, diễn ra vào ngày 15-10. EU hy vọng từ nay tới đó, 7 quốc gia còn lại sẽ phê chuẩn Hiệp ước Lisbon (hiện đã có 19 quốc gia phê chuẩn), buộc cử tri Ireland phải thay đổi lập trường nếu không muốn tự cô lập mình (dự kiến 10 ngày sau khi Pháp đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU, Tổng thống Sarkozy sẽ có chuyến công du Ireland). Tuy nhiên, CH Czech có thể sẽ là kẻ kế tiếp “thọc gậy bánh xe”. Sau khi Ireland bác bỏ Hiệp ước Lisbon, Tổng thống Vaclav Klaus của Czech nói hiệp ước này “đã chết” và việc có phê chuẩn hiệp ước hay không được “đá” sang Tòa án Hiến pháp, mà tòa này ít có khả năng đưa ra phán quyết trước ngày 15-10. Trước tình cảnh đó, ông Sarkozy phải thừa nhận: “Ireland là một vấn đề. Nhưng nếu chúng ta có vấn đề thứ hai hay thứ ba, sẽ rất khó giải quyết”.
Các thành viên EU cũng bất đồng trong việc đối phó với tình trạng giá xăng dầu tăng mạnh, dẫn đến các cuộc biểu tình, đình công của các tài xế xe tải, nông dân và ngư dân khắp châu Âu. Pháp và Áo đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để “hạ nhiệt cơn sốt giá dầu”, trong khi Đức và Thụy Điển lại kịch liệt phản đối vì cho rằng làm như vậy sẽ bóp méo thị trường. Về vấn đề mở rộng EU, Pháp, Đức và Luxembourg khẳng định sẽ không kết nạp thành viên mới nếu Hiệp ước Lisbon chưa được phê chuẩn. Tuy nhiên, nhiều nước không đồng tình với quan điểm này. Theo kế hoạch trước đây, Croatia sẽ trở thành thành viên thứ 28 của EU vào năm 2010, sau đó tới lượt một số quốc gia Balkans khác và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giải quyết một loạt vấn đề phức tạp như vậy là quá sức đối với bất kỳ chủ tịch luân phiên EU nào. Với Pháp thì còn gay go hơn, nếu không muốn nói là bất khả thi, bởi Tổng thống Sarkozy đang phải chật vật tìm cách vực dậy uy tín cá nhân bị sụt giảm nghiêm trọng.
LÊ DÂN (Theo THX, Bloomberg)