|
Ông Lee Myung-bak (phải) gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Seoul ngày 21-2. Ảnh: AP |
Hôm nay 25-2, ông Lee Myung-bak tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống thứ 17 của Hàn Quốc. Ưu tiên số 1 trong nhiệm kỳ 5 năm của ông là thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế nước nhà, được cụ thể hóa qua “Kế hoạch 747”.
Ông Lee Myung-bak tin rằng dưới sự lãnh đạo của mình, kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 7%/năm, và trong vòng một thập niên nữa, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 40.000 USD (hiện vào khoảng 25.000 USD), đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới (hiện đứng thứ 13). Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng đó, vị tổng thống 67 tuổi này tuyên bố sẽ cách tân nền kinh tế theo hướng thân thiện với thị trường, nâng cao đời sống của người dân bằng cách tạo ra 3 triệu việc làm mới và cải cách giáo dục, giảm thuế, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, tinh giản bộ máy công quyền (giảm từ 18 bộ xuống còn 15 bộ, cắt giảm 10% chi tiêu của chính phủ)... Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi về tính khả thi của “Kế hoạch 747”, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chựng lại.
Về đối ngoại, thái độ quá gần gũi với Mỹ của vị cựu Thị trưởng Seoul khiến một số nước láng giềng e ngại, cụ thể là Trung Quốc- đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Từ khi đắc cử đến nay, ông Lee Myung-bak nhiều lần hô hào khôi phục quan hệ đồng minh truyền thống với Washington mà theo ông là bị phai nhạt dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun. Thực tế là những vị trí chủ chốt trong lĩnh vực an ninh đều được ông Lee Myung-bak giao cho các nhân vật thân Mỹ. Cũng không loại trừ khả năng Hàn Quốc sẽ tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc. Thế kẹt của ông Lee Myung-bak là làm sao vừa làm đẹp lòng người Mỹ mà vẫn duy trì được quan hệ tốt với các lân bang. Theo các nhà phân tích, quan hệ giữa các nước Đông Bắc Á sẽ có sự điều chỉnh dưới thời ông Lee Myung-bak.
Trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên, ông Lee Myung-bak tỏ ra khá cứng rắn. Ngoài việc yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân, ông dự kiến sẽ đưa vấn đề nhân quyền vào các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên- điều mà hai vị tổng thống trước đó là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun luôn tìm cách né tránh.
Khó khăn trước mắt đối với tân tổng thống Hàn Quốc là hiện đảng Đại Dân tộc (GNP) của ông không nắm đa số trong quốc hội. Thế yếu đó buộc ông phải từ bỏ kế hoạch sáp nhập Bộ Thống nhất vào Bộ Ngoại giao trước sự phản đối của các đảng đối lập. GNP hy vọng sẽ lật ngược thế cờ trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp vào tháng 4 tới, giúp ông Lee Myung-bak dễ dàng thực hiện kế hoạch cải cách của mình.
Cũng cần nói thêm là sau thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 12 năm ngoái, ông Lee Myung-bak hiện chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng 50% cử tri Hàn Quốc dù ngày 21-2 vừa qua ông đã được minh oan trong một vụ giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp. Trước đây, khi nhậm chức, các vị tiền nhiệm của ông đều có tỷ lệ ủng hộ lên tới 70-80%.
LÊ DÂN (Theo AP, Yonhap)