13/11/2014 - 08:32

Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar:

Nhiều vấn đề nóng trên bàn nghị sự

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 25 đã chính thức khai mạc hôm 12-11 tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar với sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên và nguyên thủ một số quốc gia khác để cùng thảo luận hàng loạt vấn đề khu vực và thế giới, trong đó tranh chấp dai dẳng trên Biển Đông dự kiến trở thành tiêu điểm trên bàn nghị sự.

Theo chương trình, ngoài hội nghị thượng đỉnh ASEAN, còn có các hội nghị cấp cao liên quan như hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên Hợp Quốc), Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Úc, Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Cấp cao Mê Công-Nhật Bản và Cuộc họp của Lãnh đạo các nước ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN. Song song đó là nhiều cuộc gặp bên lề hội nghị, đáng lưu ý là cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp nước chủ nhà U Thein Sein dự kiến sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề trong mối quan hệ song phương. Theo kế hoạch, ông Obama cũng sẽ gặp lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi vào ngày 14-11.

Lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN tại buổi lễ khai mạc hôm 12-11. Ảnh: TTXVN

Phát biểu trong buổi lễ khai mạc, Tổng thống U Thein Sein nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm thực hiện liên kết chặt chẽ về chính trị, kinh tế và trách nhiệm xã hội Cộng đồng ASEAN (AC) cũng như tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại của khối nhằm mang lại lợi ích chung cho các bên. Theo đó, Tổng thống Myanmar cho biết hai nhiệm vụ chính được thực hiện tại ASEAN trong năm nay là xem xét việc tăng cường thể chế ASEAN phù hợp với Hiến chương ASEAN và nỗ lực hướng đến tầm nhìn phát triển AC sau 2015.

Theo một số chính trị gia ASEAN, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 là cơ hội cho các thành viên trong khối nhìn lại thành tựu từ trước đến nay, qua đó mở đường hướng cho khu vực - đặc biệt mục tiêu hình thành AC dự kiến vào cuối năm 2015. Dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Tân Hoa Xã cho biết năm nay là năm bước ngoặt quan trọng nhất quyết định thành tích của AC vào năm 2015 và Myanmar đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh nhiệm vụ trên. Được biết, các nhà lãnh đạo tại Nay Pyi Taw sẽ thảo luận về tiến độ xây dựng cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015, tầm nhìn phát triển AC sau 2015, đồng thời xem xét các khuyến nghị về tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả của các cơ quan ASEAN.

Ngoài những trọng tâm đã nêu, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và 4 quốc gia ASEAN ở Biển Đông sẽ là đề tài nổi cộm tiếp theo, tạo nên sóng ngầm căng thẳng tại các cuộc họp bởi đây không chỉ là vấn đề chiến lược giữa Bắc Kinh và các bên liên quan, mà còn đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Mặc dù được coi là chủ đề thảo luận chính tại hội nghị ASEAN và EAS, song giới quan sát cho rằng các buổi tọa đàm về Biển Đông có thể không đạt được đột phá lớn trong dịp này.

Cùng với Biển Đông, vấn đề hợp tác chống nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng được nhắc đến tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này. Mỹ đang tìm cách vận động Indonesia, Malaysia và những quốc gia Hồi giáo khác của khu vực ủng hộ kế hoạch của Mỹ chống các tổ chức cực đoan. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo còn đề cập đến phản ứng của khu vực liên quan đến đại dịch Ebola, tình hình biến đổi khí hậu cùng vấn nạn buôn người tại Đông Nam Á.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác

Chiều 12-11, tại Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar tiếp tục diễn ra các hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với từng đối tác gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Hiệp Quốc và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN - Úc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị.

Các nước đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và bước vào giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2015, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và tăng cường đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. ASEAN và các nước đối tác nói trên đã bàn và đề xuất nhiều biện pháp thiết thực trong việc thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực, tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho các trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa và nhân dân…; đồng thời nhấn mạnh tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng và lương thực, an ninh nguồn nước, phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới,…

Lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi và thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; đánh giá cao lập trường và sự ủng hộ tích cực của các đối tác đối với lập trường và nguyên tắc chung của ASEAN về vấn đề này. Trước tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, trước hết là Điều 5 về thực hiện kiềm chế, và sớm đạt được COC có tính ràng buộc ở Biển Đông.

TTXVN

Chia sẻ bài viết