Tổng thống Mỹ Joe Biden trong suốt nhiệm kỳ đã tăng cường thành lập và củng cố các nhóm an ninh nhỏ để gia cố cấu trúc phòng thủ do Washington lãnh đạo ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðáng chú ý, chiến lược nhằm ngăn chặn và tạo đối trọng với Trung Quốc này phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Từ trái sang: Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị thượng đỉnh ba bên hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS
Từ “Bộ tứ kim cương (QUAD)”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Úc, cho đến “bộ ba” gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhóm an ninh mới nổi do Mỹ dẫn đầu đều cho thấy nỗ lực của Washington nhằm vượt ra ngoài các liên minh song phương. Các “nhóm nhỏ” này giúp kết nối các đồng minh cũng như đối tác trong khu vực của Mỹ thành một mặt trận chung nhằm ngăn chặn những thách thức chung và xây dựng “năng lực tập thể”. Theo tờ Japan Times, các nhóm này thường có các mục tiêu chiến lược rõ ràng, giúp Washington linh hoạt về mặt chiến lược, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc.
Nỗ lực của Mỹ nhằm gắn kết chặt chẽ hơn các đồng minh và đối tác được thể hiện một cách rõ ràng trong những năm gần đây khi liên tục xuất hiện các “nhóm nhỏ” mới. “Các nhóm này đang tập hợp lại vì nhu cầu quốc phòng cấp bách chung thay vì cố gắng giải quyết mọi thứ, ở mọi nơi, cùng một lúc các vấn đề về an ninh khu vực. Ðiều này cho phép các nước tham gia hợp tác an ninh đa phương nơi mà họ có thể đóng góp một cách tốt nhất về mặt nguồn lực hoặc chuyên môn” - Tom Corben, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Ðại học Sydney (Úc), nhận định. Chẳng hạn, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ “lo” các vấn đề xung quanh Bán đảo Triều Tiên, trong khi Úc, Nhật Bản, Philippines và Mỹ đang “bắt tay” ở Biển Ðông. Ðồng thời, Mỹ cũng đang hợp tác với Úc và Anh để tăng cường năng lực phòng thủ trong khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh AUKUS. Dù không phải là thành viên chính thức nhưng Nhật Bản được mong đợi sẽ hợp tác với liên minh này trong lĩnh vực phát triển công nghệ quân sự.
Eric Heginbotham, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho rằng tính linh hoạt của các mối quan hệ đối tác này cho phép các quốc gia trong khu vực tham gia “có chọn lọc và bước đi với tốc độ phù hợp”. Giới chuyên gia cũng không loại trừ khả năng các nhóm này sẽ được thể chế hóa nhiều hơn trong tương lai thông qua các thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự, hiệp ước các lực lượng thăm viếng cũng như thông qua việc thành lập các văn phòng hoặc trụ sở trực tiếp quản lý chúng.
Nhưng vì sao Nhật Bản lại là chìa khóa của chính sách “ngoại giao nhóm nhỏ” của Mỹ? Masashi Murano, chuyên gia về Nhật Bản tại Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) cho rằng so với các nước khác, Nhật là đồng minh “có chung lợi ích quốc gia nhất” của Mỹ. Chính mối quan hệ an ninh giữa Tokyo với Washington đã mở ra cánh cửa cho mối quan hệ sâu sắc hơn với các nước khác, từ đó đóng vai trò là nền tảng cho các khuôn khổ đa phương.
Mặt khác, ngoài Trung Quốc, Nhật Bản là cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất ở khu vực Ðông Á, đồng thời sở hữu nhiều công cụ ngoại giao cũng như nhiều công cụ khác mà Tokyo sẵn sàng sử dụng để theo đuổi các lợi ích chiến lược của nước này. Các yếu tố đó khi kết hợp đã giúp Nhật Bản có thêm thời gian để định hình chương trình nghị sự và hoạt động của các nhóm trên nhằm cạnh tranh với Bắc Kinh trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự.
Song, Misato Matsuoka, phó giáo sư tại Ðại học Teikyo, cảnh báo: “Các nhóm này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực, tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh khi mỗi bên cảm thấy buộc phải tăng cường năng lực quân sự, từ đó thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang và làm tăng nguy cơ xung đột”.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)