02/11/2019 - 11:17

Nhật Bản chăm sóc người già bằng công nghệ 

Trong vòng 60 năm qua,  tỷ lệ người trên 65 tuổi trên toàn cầu tăng gấp đôi, từ 5% lên 9%. Trong đó, Nhật Bản là một trong những nước có số người cao tuổi cao nhất thế giới, với 28% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Với số người cao tuổi nhiều như vậy, mục tiêu của Nhật Bản là làm sao để họ sống tốt hơn. Do đó, nhiều công nghệ chăm sóc người già được ra đời, truyền cảm hứng cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe công lẫn tư nhân và mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người cao tuổi nước này. Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là hệ thống chăm sóc kỹ thuật số, được tích hợp nhiều dữ liệu và công nghệ y tế, và được xem là trọng tâm chiến lược của Nhật Bản.

Theo tờ Euro News, hệ thống trên thu thập dữ liệu ngay từ phòng ngủ bệnh nhân. Theo đó, các y tá chuyển thông tin sức khỏe của bệnh nhân trực tiếp lên máy chủ, chẳng hạn như huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, các xét nghiệm lâm sàng cũng như các phương pháp điều trị. “Chúng tôi thu thập dữ liệu để tìm hiểu xem những gì đang xảy ra trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại đất nước chúng tôi, từ đó quyết định liệu pháp điều trị dành cho mọi người. Bằng cách sử dụng nguồn dữ liệu này, chúng tôi có thể đưa ra nhiều phương thức chăm sóc và điều trị khác nhau. Hiện chính phủ đang chuẩn bị một hệ thống để chia sẻ chúng với mọi người. Thông qua hệ thống này, khu vực chăm sóc sức khỏe tư nhân có thể sử dụng dữ liệu để sản xuất thuốc cũng như đưa ra phương pháp điều trị mới” - Tomohiro Kuroda, Giám đốc Bệnh viện Đại học Kyoto, cho biết.

Hệ thống trên được giới chuyên gia sức khỏe đánh giá rất cao. “Tôi hoàn toàn ấn tượng với những gì đang diễn ra ở Nhật Bản. Lợi ích của số hóa, của trí tuệ nhân tạo đối với công dân và xã hội sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chăm sóc y tế, sức khỏe người dân trong tương lai xa” - Erwin Böttinger, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Kỹ thuật số, Viện Hasso Plattner (Đức) và là chuyên gia hàng đầu thế giới về đổi mới chăm sóc sức khỏe số, nhận định.

Robot hướng dẫn người già Nhật Bản vận động. Ảnh: Reuters

Tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh

Nhật Bản có thị trường chăm sóc sức khỏe lớn thứ hai thế giới. Quá trình chuyển đổi chăm sóc sức khỏe số đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh quan trọng cho các công ty chăm sóc sức khỏe tư nhân. Chẳng hạn, dự án mang tên “Phòng thí nghiệm tương lai” của Tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản Sompo Holdings đang phát triển nhiều công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết nhu cầu của xã hội ngày càng già hóa. Theo đó, các sản phẩm của công ty này như xe lăn trí tuệ nhân tạo có khả năng tự động di chuyển trên con đường được lập trình sẵn hay chiếc giường đa chức năng đều có thể giúp người cao tuổi sống độc lập hơn. Shinichiro Kataoka, trưởng dự án, nhận định rằng Nhật Bản là một xã hội siêu lão hóa, việc sử dụng công nghệ có thể giúp giảm bớt gánh nặng của nhân viên chăm sóc cũng như cải thiện năng suất làm việc của họ.

Ngành bảo hiểm y tế Nhật Bản phụ thuộc vào hàng tỉ dữ liệu đến từ hơn 126 triệu công dân. Vì thế, nguồn dữ liệu y tế chất lượng cao của Nhật Bản cũng có thể mang lại nhiều cơ hội kinh doanh quốc tế. Giới chuyên gia cho rằng việc kết hợp giữa sử dụng dữ liệu và các công nghệ tiên tiến để phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe thế hệ tiếp theo giúp Nhật Bản thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo, từ đó tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và kinh doanh quốc tế. Hợp tác quốc tế sẽ trở thành chìa khóa phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo y tế kỹ thuật số và chuẩn bị cho xã hội tương lai với tuổi thọ lên tới 100 năm.

Báo cáo dân số của Liên Hiệp Quốc mới đây khẳng định, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia già nhất thế giới trong ít nhất vài thập kỷ tới. Báo cáo dự đoán tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản sẽ tăng từ mức 28% hiện nay lên 38% vào năm 2050. Khi đó, dân số Nhật Bản cũng sẽ giảm gần 20%.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết