30/11/2024 - 11:12

Nhà là “nơi nguy hiểm nhất” đối với phụ nữ 

Ðó là kết luận đáng kinh ngạc vừa được hai cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra trong một báo cáo được công bố nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11.

Nhiều phụ nữ bị bạo hành và sát hại bởi các thành viên trong gia đình họ. Ảnh: Daily Jang

Cụ thể, báo cáo do Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho thấy có 85.000 phụ nữ và trẻ em gái đã bị giết hại có chủ ý vào năm 2023, trong đó 60% thiệt mạng dưới bàn tay của người gần gũi với nạn nhân. Dữ liệu cho thấy mỗi ngày có 140 phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới bị sát hại bởi người chung sống (chồng hoặc bạn trai) hoặc người thân, tức là cứ 10 phút trôi qua lại có 1 phụ nữ hoặc 1 trẻ em gái bị giết hại.

Theo báo cáo, châu Phi ghi nhận tỷ lệ giết hại phụ nữ liên quan đến bạn tình và người thân cao nhất, với ước tính 21.700 nạn nhân vào năm 2023, tiếp theo là châu Mỹ và châu Đại Dương. Ở châu Âu và châu Mỹ, đa số phụ nữ bị giết bởi bạn tình, với tỷ lệ lần lượt là 64% và 58%. Trong khi đó, ở những nơi khác, thủ phạm chính là những thành viên trong gia đình. “Phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hình thức bạo lực dựa trên giới cực đoan này và không có khu vực nào được loại trừ. Gia đình là nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái”, 2 cơ quan LHQ nhấn mạnh trong báo cáo.

Bất chấp những nỗ lực được thực hiện ở nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng giết hại phụ nữ và trẻ em gái, báo cáo cho biết nạn giết hại phụ nữ “vẫn ở mức báo động cao”. Theo đó, châu Phi có tỷ lệ nạn nhân nữ so với quy mô dân số cao nhất - ở mức 2,9 nạn nhân/100.000 dân.

LHQ cho biết việc ước tính của tổ chức này về số vụ sát hại phụ nữ trên toàn cầu còn gặp nhiều cản trở, do nhiều quốc gia thu thập dữ liệu kém hiệu quả và có rất ít chính phủ thu thập dữ liệu chính xác về các vụ sát hại phụ nữ ngoài phạm vi gia đình. Bà Nyaradzayi Gumbonzvanda, Phó Giám đốc điều hành của UN Women, nhận xét: “Chúng tôi coi những con số trong báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì chúng tôi biết rằng không phải tất cả các trường hợp tử vong của phụ nữ đều được ghi lại, cũng như có nhiều cộng đồng mà chúng tôi không thể tiếp cận bất kỳ thông tin nào”.

Trong khi đó, bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành của UNODC, cho rằng báo cáo trên nêu bật nhu cầu cấp thiết có các chế tài đủ mạnh để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm, đồng thời đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho những nạn nhân sống sót, bao gồm quyền tiếp cận các cơ chế báo cáo an toàn và minh bạch. Bà Waly cũng kêu gọi xóa bỏ các định kiến giới và các chuẩn mực xã hội là gốc rễ làm gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.

Trong năm nay, phụ nữ ở nhiều quốc gia - bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya, Ấn Độ và Mexico - đã xuống đường để phản đối vấn nạn giết hại phụ nữ đang gia tăng, trong khi các chính phủ trên khắp thế giới cam kết ban hành luật mới để thừa nhận và ứng phó trước tình trạng ngày càng nhiều phụ nữ mất mạng.

1/3 phụ nữ châu Âu bị bạo lực

Theo một báo cáo khác, cứ 3 phụ nữ trên khắp Liên minh châu Âu (EU) thì có 1 người từng bị bạo lực thể xác, bao gồm việc từng bị tát, bị đánh hoặc bị đe dọa bằng bạo lực. Ngoài ra, báo cáo cũng phát hiện ra rằng cứ 6 phụ nữ EU thì có 1 người từng trải qua bạo lực tình dục, bao gồm cả hiếp dâm, trong thời kỳ trưởng thành. Khoảng 19% phụ nữ cho biết họ đã phải đối mặt với bạo lực hoặc đe dọa bạo lực từ những người sống trong cùng gia đình với họ.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian, AP)

 

Chia sẻ bài viết