Trong khi cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa các nước lớn, mạng lưới thỏa thuận và quan hệ đối tác an ninh, cảnh sát, quốc phòng cũng không ngừng được mở rộng trên khắp Thái Bình Dương. Bối cảnh này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ quân sự hóa và xói mòn chủ quyền ở khu vực.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) và Thủ tướng Quần đảo Solomon Jeremiah Manele trong cuộc gặp vào tháng 6.
Hãng tin Guardian đã xem xét thỏa thuận ký kết giữa 10 đảo quốc lớn nhất dựa theo dân số ở Thái Bình Dương với đối tác nước ngoài, từ đó xác định phạm vi quan hệ an ninh của họ. Guardian cho biết có hơn 60 thỏa thuận và sáng kiến quốc phòng quan trọng trên toàn khu vực, hơn một nửa trong số này tập trung vào hoạt động cảnh sát và cơ sở hạ tầng, thiết bị.
Hầu như tất cả quốc gia đều phát triển quan hệ với nhiều bên, đơn cử như Papua New Guinea. Ðảo quốc lớn nhất ở Thái Bình Dương đang nhận hỗ trợ về an ninh và duy trì quan hệ với Úc, Mỹ lẫn Trung Quốc. Tuy Bắc Kinh không có bất kỳ thỏa thuận chính thức nào với Papua New Guinea về an ninh hoặc cảnh sát, nhưng giới chức nước này thường xuyên tham vấn đại sứ quán Trung Quốc về cách giải quyết những loại tội phạm mới nổi như rửa tiền, di cư bất hợp pháp và mại dâm.
Cạnh tranh quyền lực ở Thái Bình Dương
Hiện Úc là đối tác thống trị trong khu vực khi chiếm hơn một nửa các thỏa thuận được phân tích, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ cảnh sát. Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Canberra vẫn tuân thủ cam kết thực hiện các mục tiêu an ninh theo Tuyên bố Boe về an ninh khu vực năm 2018 của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF).
Xác định Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, đồng minh của Úc là Mỹ cũng duy trì ít nhất 8 thỏa thuận quốc phòng và an ninh với các đảo quốc. Ðáng chú ý là hiệp ước ký với Papua New Guinea năm 2023, cấp cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận không hạn chế để triển khai lực lượng và phát triển các căn cứ quân sự quan trọng.
Về phần mình, Bắc Kinh nổi lên như thế lực mới khi phát triển gần một chục sáng kiến hỗ trợ hoạt động cảnh sát ở các nước Thái Bình Dương.
Theo Giáo sư Joanne Wallis tại Ðại học Adelaide (Úc), bối cảnh trên khiến nhiều người lo ngại về cạnh tranh chiến lược ở khu vực giữa một bên gồm Mỹ và các đồng minh như Úc với bên còn lại là Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ quân sự hóa. Lo lắng này có cơ sở khi xét tới việc Trung Quốc vừa ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon năm 2022, thì Mỹ lập tức ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Papua New Guinea một năm sau đó.
Vì Trung Quốc tự coi mình là bên liên quan an ninh ở Thái Bình Dương, một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác với các nước khu vực thông qua những cơ chế hiện có như hoạt động tuần tra. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand cho biết sự hiện diện về an ninh ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương là “không cần thiết và không được hoan nghênh”. Trước tiên là tính minh bạch, thiếu yếu tố này trong thỏa thuận giữa các đảo quốc với Bắc Kinh không chỉ dấy lên mối quan tâm ở Úc, Mỹ mà còn cả người dân bản địa về nguy cơ xói mòn dân chủ và chủ quyền ở Thái Bình Dương. Tiếp đến là khác biệt trong cách tiếp cận hoạt động cảnh sát, vấn đề trật tự và
luật pháp.
Bất chấp những vấn đề trên, Giáo sư Tarcisius Kabutaulaka tại Ðại học Hawaii (Mỹ) dự đoán các nước Thái Bình Dương sẽ tiếp tục ký kết thỏa thuận với Trung Quốc, dù có thể không tuân thủ đầy đủ biện pháp bảo vệ nhân quyền.
MAI QUYÊN