Nước Mỹ đã né được "vách đá tài chính" trong bầu không khí hết sức căng thẳng và nó phân định được người thắng và kẻ thua trong tiến trình đấu trí của ngành lập pháp, dù sự thành bại này không thật rõ ràng như trong một cuộc bầu cử.
Tổng thống Barack Obama, cựu Tổng thống George Bush, thủ lĩnh đảng Dân chủ tại Thượng viện Mitch McConnell, Phó Tổng thống Joe Biden, khoảng hai triệu người thất nghiệp, hãng phim Hollywood và các công ty năng lượng gió của Mỹ được coi là bên thắng lợi. Ông chủ Nhà Trắng đã thành công trong việc tăng thuế đối với tầng lớp giàu và siêu giàu chiếm khoảng 2% dân số Mỹ. Chính sách giảm thuế cho các cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD/năm, hộ gia đình 450.000 USD/năm
từ thời người tiền nhiệm George Bush vẫn tiếp tục được duy trì.
Thượng nghị sĩ McConnell và Phó Tổng thống Biden thì chứng tỏ khả năng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và tính kiên nhẫn trong đàm phán lâu dài với kết quả có tới 89 phiếu thuận và chỉ có 8 phiếu chống, quyết định sự thành công của dự luật tránh khủng hoảng tài chính. Khoảng 2 triệu người Mỹ không có việc làm từ 26 tuần trở lên sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp thêm một năm. Các nhà sản xuất phim ảnh và ngành công nghiệp giải trí truyền hình được giảm khoảng 430 triệu USD tiền thuế, tương đương 15 USD cho mỗi vé xem phim. Tín dụng thuế thì giúp các công ty năng lượng gió Mỹ duy trì hàng chục ngàn việc làm và triển khai các dự án mới trong năm nay.
Còn bên thua có thể kể là Chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hòa John Boehner, người từng mạnh mẽ tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ chuyện tăng thuế lên người giàu, nhà sáng lập tổ chức vận động hành lang chống đánh thuế rất có thế lực Grover Norquist, 77% người hộ gia đình trên toàn nước Mỹ, vấn đề thâm hụt nhân sách liên bang và một số "chướng ngại tài chính" còn lại. Dù bản thân ông Boehner không muốn để nước Mỹ sa vào thảm họa tài chính, nhưng việc có nhiều hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa mệt mỏi bỏ phiếu ủng hộ dự luật đã được Thượng viện thông qua chứng tỏ ông không thể kiểm soát nội bộ của mình. Còn ông Norquist, chủ tịch nhóm vận động cải cách thuế, từ lâu là người luôn thuyết phục hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ ký kết thỏa hiệp không bao giờ ủng hộ việc tăng thuế, nhưng lần đầu tiên kể từ thời George Bush, phần lớn các nghị sĩ của phe này bỏ phiếu hậu thuẫn dự luật do đảng Dân chủ đề xuất.
Tổng thống Obama cho biết sẽ có 98% người Mỹ và 97% doanh nghiệp nhỏ vẫn được giảm thuế, nhưng theo Trung tâm nghiên cứu chính sách thuế có trụ sở tại Washington, có khoảng 77% hộ gia đình Mỹ phải chịu mức thuế cao hơn trong năm 2013. Không kể những người lao động có mức thu nhập hơn 400.000 USD/năm phải đóng thêm thuế, đối tượng làm công có mức lương 40.000-50.000 USD/năm cũng phải trả thêm trung bình 579 USD tiền thuế bởi quy định bãi bỏ cắt giảm 2% phí an ninh xã hội.
Và dù "thua keo này", các ông nghị đảng Cộng hòa chắc sẽ "bày keo khác". Trong vòng 2 tháng nữa, theo hãng tin Anh Reuters, chính quyền Obama phải đối diện với cuộc chiến khó khăn hơn trong việc thông qua gói cắt giảm ngân sách trị giá 1.100 tỉ USD trong 10 năm tới cũng như nâng mức trần nợ công hiện là 16.400 tỉ USD. Theo dự báo, luật thuế mới vừa được thông qua có thể khiến thâm hụt của nước Mỹ trong thập niên tới sẽ đạt ngưỡng 4.600 tỉ USD, trong đó có 650 tỉ USD trong nhiệm kỳ hai của ông Obama.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)