20/04/2024 - 12:33

Người phụ nữ lãnh đạo hai định chế tài chính lớn nhất hành tinh 

Nhờ những thành tựu xuất sắc trong nhiệm kỳ đầu, bà Kristalina Georgieva vừa tái đắc cử vị trí Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva.

Trong một tuyên bố, Ban điều hành IMF đánh giá Tổng Giám đốc Georgieva đã thể hiện “khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và nhanh nhẹn” trong nhiệm kỳ đầu tiên, vốn có nhiều biến động toàn cầu. Bà Georgieva đã dẫn dắt IMF vượt qua những “cú sốc lớn” đối với kinh tế thế giới như đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine. Bà cũng chủ động mở rộng trọng tâm của IMF để bao gồm các vấn đề như biến đổi khí hậu, xung đột, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, thừa nhận tác động ngày càng tăng của những yếu tố này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, cũng như tăng trưởng và việc làm.

Với việc tái đắc cử, nhà kinh tế học 70 tuổi người Bulgaria sẽ tiếp tục dẫn dắt đội ngũ khoảng 2.700 người trong nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu từ ngày 1-10 tới. 

Thành tích nổi trội, kinh nghiệm dày dặn

Với xuất thân là con gái của một kỹ sư xây dựng, bà Georgieva đã nỗ lực học tập để có bằng tiến sĩ về khoa học kinh tế và bằng thạc sĩ kinh tế chính trị và xã hội học tại Đại học Kinh tế Quốc gia và Thế giới ở thủ đô Sofia của Bulgaria. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, bà đã trở thành học giả của Hội đồng Anh tại Trường Kinh tế Luân Đôn (Anh) và Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Từ những bước đệm trên, Georgieva đã xây dựng nền tảng vững chắc để bắt đầu công việc tại các cơ quan hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban châu Âu (EC). Tại 2 tổ chức lớn này, bà đảm nhận nhiều vai trò cao cấp khác nhau. Trong thời gian công tác tại EC, bà Georgieva đã giúp định hình nhiều chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU). Như khi đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và Ngân sách châu Âu - phụ trách giám sát ngân sách 161 tỉ euro và 33.000 nhân viên, bà đã tham gia đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ khu vực châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015.

Còn tại WB, bà Georgieva từng đảm trách các vị trí cấp cao như Phó Chủ tịch, Giám đốc WB về Phát triển bền vững, Giám đốc Môi trường của WB, Giám đốc Phát triển Môi trường và Xã hội tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương… Cột mốc đáng chú ý là từ tháng 1-2017, bà Georgieva đảm nhận cương vị Giám đốc điều hành WB. Từ ngày 1-2-2019 đến ngày 8-4-2019, bà kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch tạm quyền của WB trong 3 tháng cho đến khi ông David Malpass, cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ tiếp quản vị trí này.

Nhờ kinh nghiệm quản lý dày dặn nói trên, bà Georgieva là người đầu tiên đến từ một nền kinh tế mới nổi được bổ nhiệm làm lãnh đạo IMF vào năm 2019, đồng thời là phụ nữ thứ hai lãnh đạo IMF kể từ khi định chế tài chính này ra đời năm 1944 (người đầu tiên là bà Christine Lagarde). Để nhận được đề cử vào vị trí lãnh đạo IMF, bà Georgieva khi đó đã vượt qua nhiều ứng viên sáng giá như Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Nadia Calvino, cựu Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem… Đầu năm 2019, bà Georgieva được trao giải thưởng “Thành tựu nổi bật” của châu Âu và Huân chương của Hiệp hội Chính sách đối ngoại châu Âu, dành vinh danh những cá nhân có đóng góp cho cộng đồng về các vấn đề quốc tế. 

IMF và WB là 2 định chế tài chính lớn nhất thế giới. IMF giám sát hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thành toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu; trong khi WB cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho chính phủ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm mục đích theo đuổi các dự án vốn.

Không chỉ giỏi quản lý, bà Georgieva còn là chuyên gia kinh tế nổi trội và là tác giả của hơn 100 bài báo học thuật và một cuốn sách giáo khoa về kinh tế vi mô. Bà thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Pháp. Bà Georgieva từng đảm nhiệm nhiều vị trí học thuật và tư vấn tại Bulgaria và Mỹ, cũng như được mời thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Úc, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Yale, Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (Anh)...

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết