28/03/2014 - 21:17

Ngư ông đắc lợi

Trung Quốc tin rằng cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraina sẽ đẩy Mát-xcơ-va xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Ban đầu, việc Nga can thiệp vào bán đảo Crimea của Ukraina khiến Trung Quốc khó chịu khi quốc gia mà họ muốn kết thân đã vi phạm nguyên tắc chủ chốt trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh - không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác. Tuy nhiên, khi Mát-xcơ-va sáp nhập xong Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga, các chiến lược gia Trung Quốc bắt đầu nhìn thấy cơ hội.

Nếu quan hệ giữa Nga với phương Tây tiếp tục lạnh nhạt, họ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tìm kiếm đối tác ở nơi khác. Lúc này, vòng tay của Bắc Kinh sẽ rộng mở. Yan Xuetong, một trong những nhà phân tích ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, dự đoán việc Washington tiếp tục tìm cách cô lập Mát-xcơ-va “sẽ đẩy Nga lại gần Trung Quốc và đó là một món quà (cho Bắc Kinh)”.

Mặc dù không ủng hộ việc Crimea ly khai khỏi Ukraina vì lo ngại nó có thể tạo nên tiền lệ cho Tây Tạng và Đài Loan, song Trung Quốc không hề chỉ trích hoặc phản đối Nga. Điều đó thể hiện qua việc họ bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với nghị quyết không công nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, cũng như không tham gia các biện pháp cấm vận của phương Tây chống Nga. Thay vào đó, Bắc Kinh được cho sẽ hưởng lợi nhiều hơn trong hoàn cảnh này. Theo Jia Qingguo, Phó trưởng Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, đầu tiên là Mát-xcơ-va có thể nhượng bộ trong các cuộc đàm phán cung cấp khí đốt cho Trung Quốc (vốn kéo dài 5 năm qua do không bất đồng về giá cả).

Về phần mình, Nga cũng đang hướng sang châu Á để đối phó với các biện pháp cấm vận của phương Tây.

“Chìa khóa” cho Mát-xcơ-va chính là một thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên với Trung Quốc sắp thành hiện thực sau nhiều năm đàm phán. Nếu nó được ký kết khi ông Putin thăm Trung Quốc vào tháng 5, ông sẽ có thể tuyên bố rằng quyền lực toàn cầu đã dịch chuyển về phía Đông và ông không cần phương Tây nữa. Đơn cử, Công ty năng lượng quốc gia Nga Gazprom hy vọng sẽ bơm 38 tỉ mét khối khí tự nhiên mỗi năm cho Trung Quốc từ năm 2018 thông qua đường ống dẫn khí đầu tiên giữa nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và nhà tiêu dùng lớn nhất thế giới. “Mối quan hệ của Nga với phương Tây càng tệ thì Mát-xcơ-va sẽ càng muốn xích lại gần Trung Quốc” – theo Vasily Kashin, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (CAST).

Trong khi đó, Trung Quốc rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và hàng hóa tại Nga. Cho nên việc Nga ngưng hợp tác làm ăn với phương Tây có thể buộc Mát-xcơ-va bớt dè dặt trong chuyện để Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.

Trên phương diện lớn hơn, Bắc Kinh có thể hướng tới những lợi ích bất ngờ khác. Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn tìm cách kết thân (nhưng chưa thành công lắm) với người láng giềng khổng lồ này nhằm củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. “Nếu Nga trở thành một đồng minh, họ sẽ sẵn sàng ủng hộ chúng tôi nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế, cả ở khu vực Đông Á, nơi Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và các nước khác”- ông Yan khẳng định.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết