02/02/2020 - 22:21

Ngoại giao thực dụng 

"Tất cả những gì các bạn cần làm là gọi cho chúng tôi", Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói như vậy với giới chức Belarus, đề cập việc Mỹ có thể thay thế Nga cung cấp 100% nhu cầu dầu và khí đốt cho quốc gia Đông Âu với  giá cả cạnh tranh. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo ngoại giao Mỹ thăm Belarus kể từ khi Tổng thống Alexander Lukashenko, người  bị Washington gán mác "Nhà độc tài cuối cùng của châu Âu", lên nắm quyền năm 1994.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (phải) và Tổng thống Belarus Lukashenko. Ảnh: AP

Chuyến công du của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Belarus gần đây hục hặc và Mát-xcơ-va ngừng cung cấp dầu khí cho đồng minh. Trong khi đó, Mỹ đang hối hả tìm thị trường xuất khẩu mặt hàng trên sau khi không ngăn được dự án "Dòng chảy phương Bắc 2", vốn sẽ giúp Nga tăng đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Biển Baltic và khiến Mỹ khó chen chân vào thị trường giàu tiềm năng này. Mỹ hiện là nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới. Năm 2018, họ đã lần đầu tiên trong vòng 45 năm trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và năm ngoái xuất khẩu ròng dầu thô và các chế phẩm dầu lần đầu tiên trong 7 thập niên nhờ sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến. Về khí đốt, năm 2018 Mỹ là nước xuất khẩu lớn thứ tư, sau Nga, Qatar và Na Uy.

Tổng thống Donald Trump tự nhận mình là "Người bán hàng huyền thoại" và từng giục các tùy viên quân sự, nhà ngoại giao Mỹ quảng bá cho ngành xuất khẩu vũ khí xứ cờ hoa trong chương trình "Buy American" (Mua hàng Mỹ). Thế nên cũng không ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Pompeo xúc tiến thương mại dầu khí tại Belarus.

Nhưng có lẽ không chỉ dừng lại ở đó. Ông Pompeo trong cuộc gặp Tổng thống Lukashenko còn cho biết Washington hy vọng cung cấp cho Minsk cơ hội đạt được "chủ quyền" và "độc lập" mà họ đang tìm kiếm. Đặt trong bối cảnh ông Lukashenko vừa cáo buộc Mát-xcơ-va gây sức ép nhằm sáp nhập Belarus vào Nga thì mới thấy hết tính thực dụng trong chính sách ngoại giao của Mỹ, dù ông Pompeo trấn an Belarus không cần phải chọn phe giữa Nga và Mỹ.

Giữa lúc quan hệ Nga-Belarus rạn nứt, tháng 9 năm ngoái, Mỹ và Belarus đã nhất trí trao đổi đại sứ lần đầu tiên kể từ năm 2008. Trong chuyến công du cuối tuần rồi, ông Pompeo cho biết sẽ bổ sung nhân sự cho đại sứ quán Mỹ ở Minsk và một đại sứ mới sẽ sớm được bổ nhiệm. Ông cũng khích lệ Belarus tiếp tục tiến bộ hơn nữa trong cải cách để được Mỹ dỡ bỏ cấm vận.

Và trong lúc Ngoại trưởng Pompeo đang có mặt tại Minsk thì ở Washington, chính quyền ông Trump quyết định loại Belarus khỏi danh sách các quốc gia cấm đi lại.

Tổng thống Lukashenko đã hoan nghênh động thái này và chuyến thăm của ông Pompeo, nói rằng: "Sau những hiểu lầm hoàn toàn vô căn cứ giữa Belarus và Mỹ, ngài đã thân chinh đến đây và nhìn vào quốc gia này". "Chế độ độc tài của chúng tôi thì khác. Ở đó tất cả mọi người được nghỉ ngơi vào thứ bảy và chủ nhật trong khi tổng thống làm việc", nhà lãnh đạo Belarus cũng tỏ ra hài hước khi đề cập danh xưng mà phương Tây dành cho ông. Thật ra, phương Tây đã dần nới lỏng trừng phạt Belarus kể từ khi ông Lukashenko phóng thích tù chính trị và không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014. Trước khi đến Belarus, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã ghé thăm Ukraine.

Sau Belarus, ông Pompeo tới Kazakhstan và Uzbekistan với mục tiêu cảnh báo các nước này về "ý đồ" của Nga và Trung Quốc ở châu Âu và Trung Á.  Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã công du Trung Quốc, còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa có chuyến thăm Uzbekistan hồi tháng rồi.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết