16/10/2009 - 08:55

Ngoại giao bóng đá !

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (phải) bắt tay Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan trong cuộc gặp ngày 14-10. Ảnh: Xinhua.

Đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã nhẹ nhàng vượt qua đội khách đến từ Armenia với tỉ số 2-0 trong trận đấu lượt về vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2010 diễn ra đêm thứ tư vừa qua. Tuy nhiên, đây chỉ là một trận cầu mang tính thủ tục, bởi cả hai đội tuyển, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, đã không còn hy vọng giành được tấm vé đến Nam Phi mùa hè năm sau. Dẫu vậy, về mặt chính trị và ngoại giao thì đây là một sự kiện quan trọng bởi một lần nữa môn thể thao vua này làm nhịp cầu nối quan hệ ngoại giao bị chia cắt bao lâu nay giữa hai nước.

Có thể nói, sự hiện diện của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul và Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cùng với cái bắt tay giữa hai ông trên khán đài sân vận động trung tâm thành phố Bursa, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 14-10, là một sự kiện lịch sử. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Armenia Sargsyan diễn ra chỉ 4 ngày sau khi ngoại trưởng hai nước ký hòa ước, mở cửa biên giới chấm dứt mối quan hệ thù địch gần một thế kỷ qua.

“Chúng tôi không viết lịch sử mà đang làm nên nó”-Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul nhận xét như thế tại cuộc gặp Tổng thống Armenia Sargsyan và phái đoàn ở Bursa khi nói về những nỗ lực gần đây của hai nước trong việc hàn gắn quan hệ song phương.Ông Gul cho rằng lịch sử không được tạo ra trong một ngày và rằng nó cần có thời gian để cải thiện mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta đã tận mắt thấy rằng chúng ta có thể giải quyết những khó khăn theo tiến trình này”.

Sự thù địch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia bắt nguồn từ vụ thảm sát người Armenia dưới đế chế Ottoman trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Phía Armenia cho rằng đã có hơn 1,5 triệu người Armenia chết vì bị thảm sát hay bị lưu đày trong giai đoạn 1915-1917 và khẳng định đây là tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ phản đối từ “diệt chủng”, vì họ cho rằng chỉ có 300.000 đến 500.000 người Armenia bị giết hại, trong khi nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bỏ mạng do cuộc xung đột và những rối loạn chính trị trước khi đế chế Ottoman sụp đổ và nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ra đời năm 1923. Năm 1993, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Armenia nhằm biểu thị sự ủng hộ với Azerbaijan, một đồng minh của Ankara, sau khi Armenia giành quyền kiểm soát khu vực Nagorny- Karabakh, vùng lãnh thổ thuộc Azerbaijan có đa số người Armenia sinh sống.

Tổng thống Armenia Sargsyan cho rằng những bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia nhằm bình thường hóa quan hệ song phương là rất quan trọng bởi theo thời gian nó có thể tập hợp được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp. Những người theo đường lối dân tộc cực đoan ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia phản đối việc ký kết các hòa ước, chỉ trích chính phủ của họ đã quá nhượng bộ. Tất nhiên, để có hiệu lực, các văn kiện này phải được quốc hội của cả hai nước phê chuẩn. Nhưng Tổng thống Sargsyan nói: “Có thể có những cá nhân với những suy nghĩ khác nhau ở cả hai nước, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Điều quan trọng là phải thấy rằng số người suy nghĩ một cách lạc quan về những bước đi của chúng ta đang chiếm số đông”.

Chính sách “ngoại giao bóng đá” được khởi xướng từ tháng 9 năm 2008, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đến Thủ đô Yerevan thăm chính thức Armenia theo lời mời của Tổng thống Sargsyan và dự khán trận bóng đá lượt đi giữa hai đội tuyển quốc gia của hai nước trong khuôn khổ vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2010. Trận cầu năm ấy, Armenia cũng thất thủ 0-2 trước Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng về ngoại giao đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước cựu thù.

THẢO VY
(Theo Xinhua, AP và TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (phải) bắt tay Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan trong cuộc gặp ngày 14-10. Ảnh: Xinhua.

Chia sẻ bài viết