27/12/2007 - 21:47

Nghiện rượu-Cần điều trị đến nơi đến chốn

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ đang khám bệnh cho bệnh nhân bị loạn thần do rượu. Ảnh: B. NGỌC 

Ai cũng biết uống nhiều rượu sẽ tổn hại đến sức khỏe nhưng nhiều người vẫn uống thường xuyên và có không ít trường hợp mắc những căn bệnh nguy hiểm do nghiện rượu. Dựa trên nghiên cứu trong thời gian 2 năm đối với nhiều trường hợp nghiện rượu đến điều trị tại 3 cơ sở y tế là: Trung tâm Sức khỏe tâm thần TP Hồ Chí Minh; Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Khoe, Phó trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đã có bài viết cảnh báo về những tác hại nguy hiểm do rượu gây ra đối với sức khỏe con người.

Người nghiện rượu làm việc và sinh hoạt lệ thuộc vào rượu. Nếu thiếu rượu, người nghiện rượu không thể sinh hoạt bình thường và thường có các biểu hiện: run, mất ngủ, giảm trí nhớ, đi loạng choạng, nặng hơn nữa là bị co giật, rối loạn tâm thần. Trong đó, run là biểu hiện thường gặp, có thể run toàn thân nhưng thường run ở ngọn chi (bàn tay), đặc biệt là lúc sáng sớm khi chưa uống rượu. Hiện tượng run này sẽ mất khi người nghiện uống vào một ít rượu, khoảng một ly nhỏ rượu.

Người nghiện rượu trong thời gian dài thường mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm và khó điều trị. Nghiện rượu làm cho não teo lại, giảm trọng lượng não. Trên hình chụp CT scan não của người nghiện rượu, hệ thống não thất dãn, các rãnh vỏ não sâu (xem hình não người nghiện rượu và bình thường). Người nghiện rượu có thể bị thoái hóa não, thường là thoái hóa tiểu não, biểu hiện là nói khó, giảm trương lực cơ, đi đứng loạng choạng. Ngoài ra, nghiện rượu còn gây sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, liệt các dây thần kinh sọ, thường gặp nhất là các dây thần kinh mắt. Người nghiện rượu cũng dễ bị co giật hay bị tai biến mạch máu não.

 Não người bình thường 47 tuổi.
Song song với tác hại trên não bộ, nghiện rượu còn tác hại trên các cơ quan khác và gây nên một số bệnh lý: viêm đa dây thần kinh ngoại biên, viêm dạ dày, viêm gan, xơ gan, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thiếu máu, rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, rối loạn cương dương (yếu sinh lý). Đối với phụ nữ mang thai, rượu còn gây dị dạng cho thai nhi như: chứng đầu nhỏ, dị dạng xương sọ, mặt, tay và chân hoặc chậm phát triển tâm thần, thể chất.

 Não người nghiện rượu 45 tuổi.
Hiện nay, tình trạng uống rượu ngày càng gia tăng, nhất là ở vùng nông thôn. Muốn giảm tình trạng nghiện rượu và tác hại của nghiện rượu, cần thực hiện nghiêm chỉnh những qui định như: các cơ sở sản xuất rượu ở nông thôn và thành thị đều phải có giấy phép sản xuất của cơ quan chức năng; không bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Cùng với đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp như giải quyết việc làm, tổ chức các phong trào văn nghệ, giải trí lành mạnh cho thanh niên ở vùng nông thôn, từng gia đình phải quan tâm giáo dục để các thành viên nam trong gia đình thấy được tác hại xấu của rượu trên nhiều mặt, nhất là đối với sức khỏe.

Thực tế cho thấy nhiều người nghiện rượu ý thức được tác hại của rượu, muốn bỏ rượu nhưng không thể bỏ được. Điều trị nghiện rượu hay bị thất bại vì người bệnh ít hợp tác. Muốn thành công trong điều trị nghiện rượu, thầy thuốc phải kết hợp nhiều yếu tố. Trước hết là tâm lý trị liệu. Tức là thầy thuốc và gia đình cần giải thích rõ những tác hại của rượu để người bệnh hiểu rõ tác hại này và từ bỏ ý niệm uống rượu là đúng và nhận thấy nghiện rượu sẽ có hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Mặt khác, nhân viên y tế và gia đình phải ân cần chăm sóc, động viên, tỏ ra thông cảm với người bệnh, để người bệnh an tâm, tin tưởng và hợp tác tốt trong điều trị.

 Kết quả nghiên cứu trong 2 năm trên 85 nam nghiện rượu phải nhập viện điều trị cho thấy: Người nghiện rượu ở độ tuổi từ 31- 50 chiếm tỷ lệ cao nhất: 87,1%; người nghiện rượu thuộc gia đình nghèo và có mức sống trung bình chiếm đến 82,4%. Đáng lưu ý là tỷ lệ người nghiện rượu là những người không nghề nghiệp, làm nghề tự do, đặc biệt là nghề nông chiếm khá cao (31,8%). Một thực tế nữa là có 18,8% người nghiện rượu sống độc thân và 11,5% ly hôn. Về di truyền tuy chưa được chứng minh, nhưng nếu người cha hoặc mẹ nghiện rượu thì tỷ lệ con trai của họ nghiện rượu là 20-25%, con gái là 5%. Tỷ lệ này cao gấp 4-5 lần tỷ lệ bình thường ngay khi đưa con của người nghiện rượu cho người không nghiện rượu nuôi dạy. Người có tư tưởng chống đối xã hội có tỷ lệ nghiện rượu cao hơn người bình thường và yếu tố xã hội cũng góp phần đưa đến nghiện rượu.

Người nghiện rượu uống rượu không nhiều, nhưng họ có cảm giác thèm rượu khi cơ thể thiếu rượu. Vì vậy, muốn điều trị nghiện rượu thành công, ngoài tâm lý trị liệu, việc sử dụng thuốc làm giảm cảm giác thèm rượu là rất quan trọng. Tạo phản xạ sợ rượu bằng cách cho người bệnh sử dụng thuốc gây trở ngại chuyển hóa Acetaldehyd (một sản phẩm trung gian trong quá trình oxy hóa rượu) làm cho Acetaldehyd ứ lại gây nên các triệu chứng: nôn ói, tiêu chảy, chóng mặt và sợ rượu. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường gây nhiều tác dụng phụ, vì vậy, việc điều trị cần phải thực hiện tại bệnh viện, dưới sự kiểm soát của người thân và nhân viên y tế cho đến khi bệnh nhân bỏ được rượu mới ngưng thuốc. Người nghiện rượu thường bị mất ngủ, ăn uống kém, suy kiệt cơ thể và bị một số bệnh lý nội khoa khác đi kèm nên phải kết hợp điều trị toàn diện cho người bệnh.

Bác sĩ: NGUYỄN VĂN KHOE
(Phó Trưởng Khoa Thần kinh, BVĐK Trung ương Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết