19/03/2020 - 06:56

Nghi vấn số ca tử vong vì World Cup 2022 

Trong báo cáo thường niên mới đây, “Ủy ban tối cao” của Ban Tổ chức World Cup 2022 cho biết 9 lao động nhập cư xây dựng các sân vận động phục vụ giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh tại Qatar đã thiệt mạng hồi năm 2019, nâng tổng số người chết do công tác chuẩn bị cho World Cup 2022 trong 6 năm qua lên 34.

Công nhân làm việc tại một sân vận động phục vụ World Cup 2022. Ảnh: Observatoryihr

Có 31 trong số 34 ca tử vong nói trên được cho là “không liên quan đến công việc”, chủ yếu do bệnh tim hoặc suy hô hấp. Còn trong số 9 ca tử vong hồi năm ngoái, 4 người chết vì “nguyên nhân tự nhiên”, 3 người bỏ mạng trong một vụ tai nạn xe buýt. Không có ca tử vong nào do tai nạn tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, số ca tử vong nói trên khác xa so với con số mà Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) công bố trong báo cáo hồi tháng 2 năm ngoái. Theo ITUC, hơn 1.200 công nhân đã chết kể từ khi Qatar được trao quyền đăng cai World Cup 2022 hồi năm 2010. ITUC dự đoán sẽ có ít nhất 4.000 công nhân bỏ mạng khi World Cup khởi tranh.

Kể từ năm 2010, lao động nhập cư ở Qatar tăng mạnh và tổng số người sinh sống tại nước này đã tăng từ 1,6 triệu năm 2010 lên 2,6 triệu người năm 2018 (trong đó số công dân Qatar năm 2017 chỉ là 313.000 người). Với 95% lực lượng lao động là dân nhập cư, nhiều người đã trở thành nạn nhân của hệ thống lao động hà khắc. Theo đó, lao động nhập cư tại Qatar thường bị trả lương trễ, thậm chí còn không được thanh toán lương. Không những vậy, để đảm bảo có được việc làm, họ phải trả phí tuyển dụng tương đối cao, song chỉ nhận lại mức lương thấp. Nhiều công nhân thậm chí chỉ được trả 35 bảng/tuần (khoảng 1 triệu đồng). Trong khi đó, người lao động phải đối mặt với điều kiện lao động khắc nghiệt và nguy hiểm, như làm việc dưới thời tiết nóng bức. Chỗ ở của họ cũng không khá hơn là bao. Đó là những ký túc xá giá rẻ, tồi tàn. Dẫu vậy, họ không thể rời khỏi nước này do không được cấp thị thực xuất cảnh.

Những nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc dành cho lực lượng lao động ở Qatar dường như bị đình trệ, bằng chứng là một loạt cải cách lớn được công bố hồi tháng 10 năm ngoái vẫn chưa được thực hiện. Giới phân tích cho rằng chỉ khi những cải cách mới có hiệu lực, hệ thống “nô lệ hiện đại kafala” mà theo đó người lao động không thể thay đổi công việc khi không có sự cho phép của người sử dụng lao động mới được bãi bỏ.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng luật cải cách lao động là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền của lao động nhập cư. Nó có hiệu lực hồi tháng 1 nhưng đến nay chỉ một điều khoản trong hệ thống kafala được thay đổi, đó là cho phép người lao động rời khỏi Qatar mà không cần có sự cho phép của chủ sử dụng. 

 Đại diện gia đình các công nhân nhập cư thiệt mạng hoặc bị thương tại các công trình xây dựng ở Qatar nhiều lần kêu gọi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) trao quyền đăng cai giải thi đấu này cho một quốc gia khác trừ khi Doha đảm bảo an toàn cho lao động nhập cư. FIFA mới đây đã lần đầu tiên thừa nhận có sự vi phạm về điều kiện làm việc đối với những công nhân phục vụ World Cup 2022 và hứa sẽ tiến hành điều tra vụ việc. 

TRÍ VĂN (Theo Guardian, Observatoryihr)

Chia sẻ bài viết