06/05/2021 - 08:30

Nga thâm nhập thị trường vũ khí Trung Đông 

5 năm kể từ khi thiết lập căn cứ quân sự tại Syria, Nga đang tham gia ngày càng sâu vào thị trường vũ khí đầy sôi động ở Trung Ðông. Việc đẩy mạnh buôn bán vũ khí không chỉ mang lại cho Mát-xcơ-va tiền bạc và ảnh hưởng địa chính trị mà còn thách thức vị thế thống trị của Mỹ.

Su-35, chiến đấu cơ của Nga rất được các nước Trung Đông “chuộng” mua. Ảnh: Reuters

Bán vũ khí cho nhiều nước Trung Đông - Bắc Phi

Cuối tháng 2 vừa qua, Nga chính thức thông báo Ai Cập đã nhận được 5 chiến đấu cơ đa năng tiên tiến Sukhoi Su-35 trong số 24 chiếc mà Cairo đặt mua, bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, Nga còn bán cho Ai Cập nhiều xe tăng, trực thăng tấn công, hệ thống tên lửa cũng như thường xuyên triển khai các cuộc tập trận chung với nước này.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), đang đàm phán với Nga để mua Su-35 cũng như phiên bản tối tân Su-57, sau khi tạm ngưng chương trình mua F-35 của Mỹ. Ngoài ra, Nga tuyên bố sẵn sàng giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 TF-X. Trước đó, việc Ankara chi nhiều tỉ USD mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã khiến Mỹ phản ứng dữ dội.

Trong khi đó, Algeria, khách hàng lớn nhất của Nga tại khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, sẽ nhận được 14 máy bay ném bom hạng nhẹ Su-34 trong năm nay và được cho đang quan tâm tới Su-57. Còn khách hàng truyền thống Iran thì đang tự do xem xét vũ khí của Nga sau khi lệnh cấm vận kéo dài một thập kỷ của Liên Hiệp Quốc đối với Cộng hòa Hồi giáo hết hiệu lực hồi tháng 10 năm ngoái.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga trong giai đoạn 2015-2019 là 21%, giúp nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Tăng cường ảnh hưởng tại khu vực

Thời gian gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thường xuyên lui tới Trung Ðông. Hồi tháng 3, ông đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar. Trung tuần tháng 4, nhà ngoại giao xứ bạch dương trở lại khu vực để thăm Ai Cập và Iran.

Tại UAE, Ngoại trưởng Lavrov đã thúc đẩy vai trò của Abu Dhabi trong việc tăng cường ổn định ở quốc gia láng giềng Syria, nên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người đồng cấp nước chủ nhà Abdullah bin Zayed Al-Nahyan. Tại Qatar, ông Lavrov cùng 2 người đồng cấp nước chủ nhà và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thảo luận về hòa bình ở Syria. Cả 3 cam kết thúc đẩy giải quyết vấn đề ở tỉnh Idlib, nơi có hàng ngàn phần tử cực đoan do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Tại Saudi Arabia, ông Lavrov đã gặp Thái tử Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng Faisal bin Farhan Al Saud để luận bàn về quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với an ninh khu vực. Giống như nhiều nước trong khu vực, quan hệ Nga - Saudi Arabia được thúc đẩy bởi thương mại và hợp tác quốc phòng. Không những vậy, với tư cách là 2 nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Mát-xcơ-va và Riyadh còn trở thành đối tác đảm bảo sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Tại Ai Cập, hai bên thảo luận xung quanh lợi ích ở Libya và Syria. Ðược biết, Nga và Ai Cập từng là đối tác trong cuộc xung đột tại Libya, chống lại chính quyền Tripoli do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Về vấn đề Syria, Mát-xcơ-va và Cairo có cùng quan điểm phản đối việc thay đổi chế độ ở Damascus.

Ðáng chú ý, chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov tới Iran diễn ra trong bối cảnh Tehran muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc. Trước đó, hồi tháng 1, Nga đã ký kết một thỏa thuận nhằm giúp Iran tăng cường khả năng phòng thủ trên không gian mạng trước các cuộc tấn công của kẻ thù, chủ yếu là từ Israel.

TRÍ VĂN (Theo Al-Jazeera, Arab News)

Chia sẻ bài viết