04/06/2020 - 06:15

Nga tăng cường răn đe hạt nhân 

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 2-6 đã phê chuẩn chính sách răn đe hạt nhân, cho phép Mát-xcơ-va sử dụng vũ khí nguyên tử để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nếu nhắm vào các cơ sở hạ tầng quân sự và chính phủ trọng yếu của nước này.

Tên lửa đạn đạo mang phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard được đưa vào giếng phóng. Ảnh: Aljazeera

Bằng cách xác định một cuộc tấn công phi hạt nhân là yếu tố có thể dẫn đến hành động trả đũa hạt nhân từ Nga, chính sách nói trên dường như gửi tín hiệu cảnh báo tới Mỹ. Nội dung mở rộng này phản ánh những lo ngại của Mát-xcơ-va về việc phát triển các loại vũ khí tiềm tàng, nhờ đó Washington có thể “xóa sổ” các cơ sở quân sự và chính phủ quan trọng của đối phương mà không dùng đến vũ khí nguyên tử. Việc thành lập các lực lượng quy ước gần biên giới Nga, triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí ngoài vũ trụ đều nằm trong những mối đe dọa mà Nga nêu trong chính sách mới. Giới chức xứ bạch dương cũng xác định chương trình phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu và kế hoạch đưa vũ khí lên quỹ đạo là mối đe dọa hàng đầu.

Cảnh báo sẵn sàng bắn hạ máy bay ném bom chiến lược Mỹ
Thượng tướng Sergei Rudskoy thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga ngày 1-6 cảnh báo các hệ thống phòng không nước này sẵn sàng bắn hạ máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ bay gần biên giới Nga.

Thượng tướng Rudskoy lưu ý rằng Nga vẫn theo dõi chặt chẽ tất cả các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược Mỹ. Ngày 29-5, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video chặn các máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ. Các máy bay Mỹ bị phát hiện khi bay trên vùng biển trung lập ở Biển Đen và Biển Baltic. Các tiêm kích Nga đã tiếp cận máy bay Mỹ, sau đó các máy bay này rời biên giới của Nga.

Tài liệu mới cũng mô tả chi tiết 4 tình huống có thể kích hoạt việc khai hỏa vũ khí hạt nhân, bao gồm sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống Nga/các đồng minh và một cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước đe dọa sự tồn vong của nước này. Ngoài ra, Nga có quyền “đụng tới” kho vũ khí hạt nhân nếu nhận được “thông tin đáng tin cậy” về một vụ phóng tên lửa đạn đạo sắp nhắm vào lãnh thổ nước này hoặc các đồng minh và trong trường hợp kẻ địch gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự và chính phủ trọng yếu của Nga tới mức độ làm gián đoạn khả năng trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.

Năm 2018, chủ nhân Điện Kremlin từng tiết lộ một loạt vũ khí mới được cho có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong số này có thiết bị siêu vượt âm Avangard có thể lướt trong khí quyển với tốc độ nhanh gấp 27 lần vận tốc âm thanh. Nhờ khả năng thay đổi quỹ đạo trong hành trình bay và độ cao, phương tiện này đủ sức xuyên thủng lá chắn tên lửa của kẻ địch. Cuối năm ngoái, Nga đã lần đầu biên chế Avangard cho một trung đoàn tên lửa, đóng quân tại vùng Orenburg. Chưa hết, Tổng thống Putin còn “khoe” thiết bị lặn không người lái chiến lược Poseidon có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và gây ra sóng thần khủng khiếp gần bờ biển kẻ địch.

Nga công bố chính sách răn đe hạt nhân trong bối cảnh nước này đang chật vật thuyết phục Mỹ gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Năm ngoái, do cả Nga và Mỹ đều rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987, nên New START trở thành thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn tồn tại giữa hai cường quốc này. Văn kiện được ký năm 2010 này giới hạn mỗi quốc gia không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom và thực hiện các cuộc thanh sát tại chỗ để xác minh sự tuân thủ. Trong khi Nga đã đề nghị gia hạn New START thêm 5 năm, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại muốn một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới, liên quan đến những khí tài hiện đại hơn chẳng hạn như tên lửa siêu vượt âm và phải có Trung Quốc tham gia, điều Mát-xcơ-va cho là bất khả thi.

Được biết, Mỹ và Nga sở hữu khoảng 91% lượng vũ khí hạt nhân của thế giới, lần lượt là khoảng 3.800 và 4.310 đơn vị.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết