19/03/2014 - 21:42

Nga nỗ lực ổn định tình hình Crimea

Các quân nhân Ukraina tuần tự rời căn cứ hải quân ở Sevastopol sau khi nó bị phong tỏa ngày 19-3.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước công nhận Crimea là một phần của nước Nga hôm 18-3, hai bên đã tiến hành các bước để ổn định tình hình. Trong khi đó, Ukraina tuyên bố bước sang "giai đoạn quân sự" với Nga sau cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ của hai bên.

Nỗ lực ổn định tình hình Crimea

Sau khi ký hiệp ước sáp nhập vào Liên bang Nga, chính quyền Crimea bắt tay vào triển khai công tác gia nhập với mục tiêu tránh tối đa các xáo trộn trong cuộc sống người dân. Ngân hàng Crimea được thành lập và theo kế hoạch, từ nay đến ngày 1-1-2016, đồng rúp của Nga sẽ được Crimea sử dụng song song với đồng grivna của Ukraina. Crimea cũng tuyên bố độc lập về khí đốt và chuẩn bị nguồn dự trữ điện cho trường hợp Ukraina ngừng cung cấp. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Crimea cũng sẽ được cấp phép thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng của Nga.

Phó Thủ tướng Crimea Rustam Temirgaliyev hôm 18-3 cho biết Crimea vừa nhận được khoản hỗ trợ tài chính đầu tiên từ Nga. Ông Temirgaliyev nói rằng gói cứu trợ này rất cần thiết với Crimea vì hiện tại Kiev đã ngưng các khoản chi tiêu cho quân đội và thực thi pháp luật tại Crimea.

Trong một nỗ lực nhằm hóa giải căng thẳng và ổn định cuộc sống, ông Temirgaliyev cho biết chính quyền Crimea sẽ thương lượng với cộng đồng người Tatar về phần đất cũng như các quyền lợi của họ tại Crimea. Dân tộc Tatar hiện chiếm khoảng 15% dân số Crimea và đa số ủng hộ chính quyền thân phương Tây của Ukraina. Để thuận tiện cho quy hoạch xã hội mới, người Tatar sẽ được đề nghị di dời sang khu vực tái định cư khác nằm trong khu tự trị. Đồng thời, những thành viên của cộng đồng người Tatar cũng có thể đảm nhận những chức vụ cấp cao trong chính quyền mới của Crimea.

Ngoài ra, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vừa đề nghị được tiếp cận và khai thác nguồn dầu và khí đốt tại vùng biển thuộc Crimea. Quốc hội Crimea trước đó đã quyết định tất cả tài sản quốc gia Ukraina tại khu tự trị này sẽ trở thành tài sản của Crimea. Và theo ông Temirgaliyev, mỗi năm có khoảng 1,5 tỉ mét khối khí đốt được khai thác tại Crimea, một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất vùng biển Đen.

Căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraina

Hôm 18-3, Bộ Ngoại giao Ukraina triệu tập đại diện ngoại giao Nga tại Kiev Andrei Vorobyov và gửi "thư phản đối" hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga. Kiev cho rằng quyết định của Mát-xcơ-va về việc sáp nhập phần lãnh thổ ly khai của Ukraina đồng nghĩa với việc dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ nước này và tuyên bố sẽ bảo lưu quyền tiến hành các bước cần thiết để giải quyết mâu thuẫn theo luật quốc tế. Thư nhấn mạnh "Ukraina phủ nhận bất cứ chủ quyền nào của Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraina mà Nga chiếm đóng".

Trong khi đó, cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ Nga và Ukraina tại thành phố Simferopol ngày 18-3 càng làm cho mâu thuẫn hai bên thêm sâu sắc. Vụ nổ súng được ghi nhận tại một tòa nhà quân đội Ukraina ở Simferopol, thủ phủ Crimea, khiến hai người thiệt mạng và hai người khác bị thương. Cảnh sát địa phương cho biết hai người chết gồm một binh sĩ Ukraina và một tự vệ địa phương. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là sự khiêu khích từ những người muốn gây chiến trong khi Thủ tướng tạm quyền Ukraina Arseny Yatsenyuk tuyên bố mâu thuẫn với Mát-xcơ-va đang chuyển từ giai đoạn chính trị sang quân sự.

Ngày 19-3, binh sĩ nói tiếng Nga với sự trợ giúp của lực lượng dân quân thân Nga tại Crimea đã tiến hành chiếm đóng căn cứ Hải quân Ukraina ở thành phố Sevastopol. Cuộc đột kích diễn ra nhanh chóng mà không có ai thương vong và các binh sĩ Ukraina cũng không phản kháng. Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội Ukraina cho biết chỉ huy của Hải quân Ukraina, Đô đốc Serhiy Haiduk, đã được đưa khỏi căn cứ bởi những người trông giống đặc nhiệm Nga.

THUẬN HẢI (Theo Itar-Tass, RIA Novosti, BBC, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết