08/02/2020 - 10:14

Nga nhảy vào Iraq để đối trọng với Mỹ? 

Sau khi Mỹ thủ tiêu tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds Qassem Soleimani của Iran tại Iraq, Nga đã tìm cách xích lại gần hơn với Baghdad nhằm củng cố vị thế của mình tại quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ. 

Nhiều báo cáo cho thấy Nga đang thúc đẩy nỗ lực bán cho Iraq hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 hoặc S-400 (ảnh). Theo giới chuyên gia, nếu sở hữu được S-300 hoặc S-400, Iraq sẽ tránh khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và rốc-két cũng như có thể bắn hạ bất kỳ máy bay nào hoạt động trái phép trong không phận của nước này. Đặc biệt, nếu có sự hiện diện của S-400, cuộc tấn công tiêu diệt ông Soleimani bằng UAV đã trở nên cực kỳ khó khăn. Vì vậy, Washington từ lâu đã có động thái nhằm ngăn Baghdad mua S-300 dù các lực lượng vũ trang Iraq sở hữu nhiều trang thiết bị quân sự do Nga sản xuất như máy bay lên thẳng tấn công Mi-35, Mi-28, máy bay chiến đấu Su-25 hay xe tăng T-90.

Trong khi đó kể từ năm 2017, Iraq  nhận được 3,7 tỉ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ. Song, với hơn 90 tỉ USD kiếm được từ xuất khẩu dầu hồi năm ngoái, Baghdad có thể “sống khỏe” mà không cần có sự hỗ trợ tài chính từ Washington. Năm 2018, kim ngạch thương mại Iraq-Mỹ ước đạt 13,2 tỉ USD, với gần 12 tỉ USD trong số này là đến từ việc Iraq xuất khẩu dầu thô sang Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây dọa sẽ đóng băng tài khoản của Chính phủ Iraq tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ có thể cho phép Nhà Trắng trừng phạt Iraq nếu nước này mua bất kỳ loại vũ khí hạng nặng nào từ Nga. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không đoái hoài đến yêu cầu rút lực lượng Mỹ khỏi Iraq. Vì thế,  làn sóng chủ nghĩa dân tộc mới đã nổi lên tại Iraq, tìm cách giúp Baghdad độc lập trước ảnh hưởng của nước ngoài. Mỹ hiện vẫn là đối tác quan trọng nhất, nhưng Iraq là quốc gia với đa số theo Hồi giáo dòng Shiite và có đường biên giới dài với Iran, điều này tạo ra tình thế chính trị phức tạp khi Mỹ-Iran đối đầu nhau. 

Trong bối cảnh đó, Nga đã có thêm cơ hội “nhảy vào” Iraq nhằm tạo thế cân bằng, qua đó khẳng định vị thế mới của mình như tại Syria. Kim ngạch thương mại Iraq-Nga đã tăng nhanh, ước đạt gần 2 tỉ USD, trong khi các khoản đầu tư của Nga tại Iraq lên tới 10 tỉ USD, chủ yếu trên lĩnh vực dầu khí. Các công ty dầu mỏ lớn của Nga như Lukoil, Gazprom Neft, Soyuzneftegaz hay Rosneft đều mở rộng phạm vi hoạt động tại Iraq. Không những vậy, Nga đã ký thỏa thuận mở rộng quan hệ với Iraq trong lĩnh vực sản xuất điện, nông nghiệp và giao thông vận tải. Hồi năm ngoái, Nga khánh thành trung tâm chỉ huy ở Thủ đô Baghdad theo thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với sự tham gia của Iran và Syria. Iraq và Nga hôm 6-2 đã thảo luận về triển vọng “hợp tác và phối hợp” quân sự sâu rộng. Theo đó, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin và phối hợp để ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Một quan chức tình báo quân sự cấp cao của Iraq nói rằng Mát-xcơ-va cung cấp hỗ trợ quân sự cho Baghdad trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Iraq căng thẳng sau vụ sát hại ông Soleimani.

Trong nỗ lực nhằm cứu vãn quan hệ với Iraq, Tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ hôm 4-2 đã âm thầm đến Iraq, trở thành quan chức quân sự cấp cao nhất của Washington thăm Baghdad kể từ sau vụ tấn công hạ sát Tướng Soleimani. Theo hãng tin AP, ông McKenzie đã gặp các lãnh đạo cấp cao Iraq và đến thăm lực lượng Mỹ tại căn cứ không quân al-Asad - nơi bị Iran tấn công hồi tháng rồi để trả đũa cho cái chết của ông Soleimani. Ông MaKenzie cho biết các hoạt động quân sự chung và huấn luyện giữa Mỹ và Iraq đã giảm quy mô, đồng thời thừa nhận quan hệ giữa hai nước đang trong giai đoạn “xáo trộn”. 

HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết