12/03/2014 - 09:26

Nga đề xuất giải quyết khủng hoảng Ukraina

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin về giải pháp cho Ukraina hôm 10-3. Ảnh: ITAR-TASS

Nga tuyên bố sẽ có giải pháp riêng cho cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Giải pháp của Mát-xcơ-va có thể sẽ đi ngược lại những nỗ lực hiện nay của phương Tây, đồng thời mở đường cho cộng hòa tự trị Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga.

Nga-Mỹ bác đề xuất của nhau

Trong cuộc họp được phát trên truyền hình hôm 10-3, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng những đề xuất giải quyết vấn đề Ukraina mà ông nhận được từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 8-3 không thích hợp với Nga. Bởi lẽ, chúng được lập ra trên nền tảng giống như giữa Nga và Ukraina đang có xung đột. Theo đó, Washington yêu cầu tiến hành đối thoại giữa Mát-xcơ-va và Kiev, đưa thanh sát viên quốc tế đến Ukraina, rút các lực lượng Nga tại Crimea về nước và hỗ trợ cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina vào tháng 5 tới. Thay cho đề xuất của Mỹ, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Nga đã soạn thảo một loạt các giải pháp khác nhằm đưa tình hình Ukraina vào khuôn khổ luật pháp quốc tế và đảm bảo quyền lợi của tất cả người dân nước này. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va không cho biết khi nào sẽ công bố chi tiết các giải pháp trên.

Phản ứng trước vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Kerry hôm 11-3 đã hủy chuyến thăm Mát-xcơ-va thảo luận tình hình Ukraina. Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích việc Nga từ chối thảo luận theo hướng đề xuất của Washington làm tổn hại đến khả năng giải quyết vấn đề bằng đối thoại. Nhất là việc Mát-xcơ-va bác bỏ khả năng đàm phán trực tiếp với chính phủ mới ở Kiev. "Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh với ông Lavrov rằng sẽ tiếp tục thảo luận về cách làm giảm căng thẳng của cuộc khủng hoảng tại Ukraina chỉ khi nào chúng tôi nhận thấy Nga sẵn sàng thực hiện theo những đề xuất của chúng tôi" -người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói.

Kiev kêu gọi hỗ trợ từ phương Tây

Hôm 10-3, quyền Ngoại trưởng Ukraina Andriy Deshchytsya cho rằng Ukraina trên thực tế đang trong trạng thái chiến tranh với Nga và binh sĩ Mát-xcơ-va đã kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea. Trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo ngoại giao của Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, ông này cho biết Ukraina đang trông cậy vào sự giúp đỡ của phương Tây. Trong nỗ lực đó, Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm nay 12-3 nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với chính quyền mới ở Kiev cũng như giúp Ukraina tìm kiếm các nguồn tài trợ.

Quốc hội Ukraina cũng thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ và Anh thực hiện hiệp ước năm 1994 mà theo đó hai nước cam kết "sử dụng mọi biện pháp khẩn cấp ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự bảo vệ Ukraina chống lại âm mưu xâm lấn và duy trì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ".

Hôm 10-3, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẽ viện trợ Ukraina 3 tỉ USD trong năm nay để hỗ trợ thực hiện các cải cách kinh tế và ổn định tình hình nước này. Hiện WB đang thực hiện nhiều dự án tại Ukraina với tổng giá trị khoảng 3,7 tỉ USD, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông.

Phương Tây xem xét tăng cường cấm vận Nga

Hôm 11-3, các quan chức châu Âu đã nhóm họp tại Luân Đôn nhằm thảo luận các biện pháp cấm vận có thể áp dụng với Nga. Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo Mát-xcơ-va sẽ đối mặt với nhiều hậu quả nếu tìm cách hợp thức hóa việc sáp nhập với Crimea thông qua cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Ông Cameron đã đề nghị hủy việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến sẽ diễn ra ở Nga vào tháng 6, đồng thời ngừng đàm phán về việc mở rộng quyền tự do đi lại của các công dân Nga sử dụng visa Liên minh châu Âu (EU). Ông Cameron khẳng định nếu Nga vẫn từ chối tiếp xúc với chính phủ mới tại Ukraina, EU sẽ nhanh chóng áp đặt bước trừng phạt tiếp theo, bao gồm việc đóng băng tài sản và ngừng cấp visa cho các quan chức cấp cao Mát-xcơ-va. Các ngoại trưởng châu Âu dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc cấm vận Nga vào ngày 17-3 tới, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Tại Mỹ, hôm 10-3, Nhà Trắng cũng tuyên bố Nga sẽ bị loại khỏi nhóm G8.

THUẬN HẢI (Theo Reuters, AP, AFP, ITAR-TASS)

Nghị viện Crimea bỏ phiếu ly khai

Các nhà lập pháp tại bán đảo Crimea hôm qua đã phê chuẩn "tuyên bố độc lập của nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol" với 78 trên tổng số 81 đại biểu bỏ phiếu. Tuyên bố đề cập đến tỉnh Kosovo ly khai khỏi Serbia và nhấn mạnh quyết định đơn phương độc lập của Crimea "không vi phạm luật pháp quốc tế". Tuyên bố còn khẳng định Cộng hòa Crimea với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền sẽ nộp đơn gia nhập vào Liên bang Nga nếu người dân Crimea hậu thuẫn trong cuộc trưng cầu dân ý tới. Cùng ngày, quốc hội Ukraina cảnh báo sẽ giải tán nghị viện Crimea trừ phi cơ quan này ra quyết định hủy bỏ trưng cầu dân ý ngay trong hôm nay 12-3.

V.P (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết