25/07/2008 - 08:03

Nepal đối mặt với cuộc khủng hoảng mới

 Tổng thống Yadav (giữa) trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AP

Ngày 23-7, Tiến sĩ Ram Baran Yadav đã nhậm chức tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Nepal. Ngay sau đó, Thủ tướng Girija Prasad Koirala chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống Yadav, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, do thất bại của ứng viên Ramraja Singh trong cuộc bầu chọn tổng thống, đảng Cộng sản Nepal (CPN-M), lực lượng chiếm nhiều ghế nhất tại Quốc hội lập hiến, từ chối đứng ra thành lập chính phủ, khiến Nepal rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới.

Với 227 ghế trong cơ quan lập pháp gồm 601 ghế, CPN-M đòi phải nắm cả vị trí thủ tướng lẫn tổng thống (chỉ có vai trò nghi thức). Tuy nhiên, trong cuộc bầu chọn tổng thống ngày 21-7, ông Singh của CPN-M đã không địch nổi với ứng viên Yadav của đảng Quốc đại Nepal (NC, đảng lớn thứ hai trong Quốc hội), được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng sản Nepal Marxist - Leninist thống nhất (CPN-UML) và Diễn đàn quyền của nhân dân Madhesi (MPRF), hai đảng về thứ ba và tư trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4 năm nay. Ngoài ra, ứng viên phó tổng thống của CPN-M cũng thất bại trước đối thủ đến từ MPRF. Trong khi đó, chức chủ tịch Quốc hội lại về tay CPN-UML.

Chủ tịch CPN-M Puspa Kamal Dahal (còn gọi là Prachanda) cho rằng thất bại trong cuộc bầu chọn tổng thống khiến CPN-M không còn cơ sở để đứng ra thành lập chính phủ mới. Do vậy, ông tuyên bố CPN-M sẽ trở thành lực lượng đối lập ở Quốc hội. Cuộc họp khẩn ngày 23-7 của các đảng phái chính trị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc hiện nay không đạt được kết quả nào và ông Prachanda vẫn bảo lưu ý kiến của mình.

Trong thực tế, nếu không có CPN-M, các đảng lớn khác ở Nepal rất khó đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp. Theo các nhà phân tích, chính phủ Nepal sẽ không ổn định, và việc sửa đổi hiến pháp gặp rất nhiều khó khăn một khi CPN-M ở vị thế đối lập. Và mặc dù ông Prachanda cam kết CPN-M sẽ tuân thủ đầy đủ tiến trình hòa bình cũng như sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận từng ký với chính phủ trước đây, nhưng việc Nepal đứng trước nguy cơ tái bất ổn là khó tránh khỏi. Ông Prachanda gần đây chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Koirala cản trở hoạt động của lực lượng vũ trang CPN-M, đồng thời cảnh báo nếu tình trạng này tiếp diễn, CPN-M sẽ không còn kiên nhẫn nữa. Nên nhớ là trước khi tham gia chính phủ năm 2007, CPN-M từng phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống chính quyền kéo dài trong 10 năm khiến khoảng 13.000 người thiệt mạng.

N.MINH (Theo AP, AFP, Reuters)

Tại cuộc họp ngày 23-7, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết 1825 (2008) gia hạn thêm 6 tháng hoạt động của Phái bộ LHQ tại Nepal (UNMIN) để hoàn thành các công việc còn lại, tập trung vào hoạt động giám sát vũ trang và quân đội các bên theo tinh thần Thỏa thuận ngày 25-6-2008 giữa các chính đảng Nepal.

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết