Sau những mâu thuẫn âm ỉ nhiều tháng qua, nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Tây Dương (NATO) tiếp tục căng thẳng trước màn lời qua tiếng lại giữa hai thành viên Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan chiến dịch quân sự Ankara phát động tại Syria cách đây 2 tháng.

Tổng thống Pháp Macron (phải) trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Stoltenberg. Ảnh: AFP
Theo kế hoạch, lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ nhóm họp vào ngày 6-12 tại thủ đô London (Anh). Hội nghị mang ý nghĩa đặc biệt khi rơi vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh quân sự này. Trước thềm sự kiện, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 28-11 đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Élysée.
Trước đó, ông Macron từng “gây bão” với bình luận cho rằng NATO đang “hấp hối” dựa trên thực tế các đồng minh không còn phối hợp và tham khảo ý kiến lẫn nhau trong các quyết định chiến lược. Điển hình như việc Mỹ rút lui khỏi Syria và sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia láng giềng. Tuyên bố đã dấy lên chỉ trích từ một số thành viên trụ cột như Đức, trong đó Thủ tướng Angela Merkel đánh giá ông Macron dùng lời lẽ “thái quá và không cần thiết”. Tuy nhiên, lãnh đạo Pháp không nghĩ nhận xét trước đó là quá đáng, ngược lại ông cho đây là lời “cảnh tỉnh hữu ích” khi các đồng minh quá tập trung vào vấn đề ngân sách thay vì địa chính trị.
Tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Macron còn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ chớ “làm suy yếu” tinh thần đoàn kết của NATO. Liên quan chiến dịch quân sự của Ankara chống lại dân quân người Kurd tại Syria, chủ nhân Điện Élysée cho rằng chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không thể muốn NATO đoàn kết với họ trong khi chính mình lại hành động riêng rẽ và gây nguy hiểm cho sứ mệnh của những đồng minh khác.
Bác bỏ chỉ trích trên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cáo buộc chính quyền Macron đang tài trợ cho khủng bố. Trước đó, Ankara đang tranh chấp với các thành viên NATO khác-bao gồm Pháp, khi từ chối ký kết kế hoạch phòng thủ của liên minh ở vùng Baltic và Ba Lan trừ khi khối này ủng hộ lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ coi Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria là nhóm khủng bố. Trước động thái bị cho là biến các nước Đông Âu thành “con tin” của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius kêu gọi NATO tìm cách giải quyết mâu thuẫn, đồng thời cảnh báo các đồng minh không nên tìm kiếm hợp tác với Nga cho đến khi Mát-xcơ-va thay đổi lập trường, đặc biệt trong vấn đề Ukraine. Quan điểm này trái ngược với lãnh đạo Pháp, trong đó ông Macron xác định kẻ thù chính của NATO là khủng bố chứ không phải Nga hay Trung Quốc.
Theo dự đoán của giới phân tích, bất đồng giữa các thành viên chắc chắn “phủ bóng” lên hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới bất chấp khẳng định của ông Stoltenberg rằng liên minh vẫn đang hoạt động hiệu quả. Chính việc sắp xếp các cuộc thảo luận gói gọn trong một phiên họp kéo dài 3 giờ đã cho thấy quan ngại của giới ngoại giao trước nguy cơ các nhà lãnh đạo có thể “đụng độ” tại hội nghị. Năm ngoái, thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “tấn công” các đồng minh châu Âu quanh vấn đề ngân sách quốc phòng. Trong động thái được cho nhằm “xoa dịu” ông Trump, đại diện NATO hôm 28-11 cam kết các khoản đóng góp sửa đổi sắp tới sẽ giảm tỷ lệ đóng góp của Washington từ 22% xuống 16% trong khi Đức sẽ tăng lên bằng với Mỹ.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Financial Times)