08/04/2023 - 07:21

NATO chia rẽ về lộ trình kết nạp Ukraine 

HẠNH NGUYÊN (Theo Financial Times)

Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bất đồng về những cam kết chính trị mà họ có thể đưa ra cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào giữa tháng 7 tới.

Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg năm 2021. Ảnh: news.ru

Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg năm 2021. Ảnh: news.ru

Tờ New York Times hôm 6-4 dẫn lời giới chức phương Tây cho biết sau cuộc họp ngoại trưởng các nước NATO diễn ra ở Brussels (Bỉ) trong tuần này, Mỹ, Đức, Pháp, Hungary đã phản đối sức ép từ Ba Lan và những quốc gia vùng Baltic phải cung cấp một lộ trình cụ thể về việc kết nạp Ukraine.

Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc các đồng minh tập trung vào viện trợ ngắn hạn cho Kiev, bao gồm quân sự, tài chính và nhân đạo. “Cánh cửa gia nhập liên minh vẫn mở đối với Ukraine nhưng hiện nay phải tập trung giúp Kiev chuẩn bị các chiến dịch phản công”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với báo giới tại Brussels. Mỹ cũng sợ rằng việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của NATO với Ukraine ở thời điểm này sẽ dẫn đến tuyên bố của Nga rằng cuộc khủng hoảng hiện tại là xung đột giữa Mát-xcơ-va và liên minh và có thể khiến Nga triển khai vũ khí hạt nhân.

Vấn đề Ukraine đã được thảo luận tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO trong tuần này để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7. Tuy cả 31 thành viên NATO đều nhất trí quan điểm rằng chưa thể kết nạp Ukraine trong tương lai gần, đặc biệt trong bối cảnh chiến sự hiện nay, cuộc thảo luận vừa qua cho thấy sự chia rẽ của khối về tương lai Ukraine hậu xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố ông sẽ chỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO nếu liên minh quân sự này đưa ra một lộ trình cụ thể về kết nạp Kiev, chẳng hạn như những cam kết an ninh, hợp tác chặt chẽ hơn thời hậu chiến. Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 9 năm ngoái và yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh của quốc gia láng giềng.

Năm 2008, các thành viên NATO đã đồng ý kết nạp Ukraine vào một thời điểm trong tương lai, nhưng tình hình không tiến triển, chủ yếu bởi xung đột quân sự tại nước này kể từ năm 2014. Khi đó, Đức và Pháp phản đối vạch ra lộ trình cụ thể bởi lo ngại điều này sẽ chọc giận Nga.

Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột với Nga hiện nay. Nga coi xu hướng mở rộng hiện diện của NATO về phía Đông là mối đe dọa đối với an ninh nước này. Hôm 3-4, Mát-xcơ-va thông báo sẽ tăng cường năng lực quân sự ở các khu vực phía Tây và Tây Bắc để đáp trả NATO kết nạp Phần Lan. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đồng thời cảnh báo động thái thu nạp thành viên thứ 31 của liên minh quân sự do Washington dẫn dắt này có thể đẩy nguy cơ xung đột ở Ukraine leo thang hơn nữa.

Một lựa chọn đang được xem xét là nâng cấp ủy ban NATO - Ukraine hiện có lên thành hội đồng NATO - Ukraine, bước đi sẽ gia tăng tư cách đối tác của Kiev trong liên minh. Điều này cũng sẽ giúp Ukraine tham gia nhiều hơn vào các cuộc họp và thảo luận của NATO, bao gồm tăng cường các bản tin tình báo. Nga cũng có một dạng thức như thế với NATO nhưng đã bị đình chỉ kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.
Chia sẻ bài viết