TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước châu Phi sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi diễn ra trong 3 ngày từ hôm nay (13-12) do Tổng thống Joe Biden chủ trì. Đây được cho là dịp để Nhà Trắng thu hẹp “khoảng cách niềm tin” với lục địa đen vốn ngày càng lớn hơn sau nhiều năm châu Phi tỏ ra thất vọng trước các cam kết của Washington.
![Mỹ xây dựng lại niềm tin với châu Phi Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa hồi tháng 9. Ảnh: AP](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2022/20221212/images/my-chau-phi.jpg)
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa hồi tháng 9. Ảnh: AP
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đầu tiên được tổ chức vào năm 2014 đã công bố các cam kết tăng cường đầu tư và hợp tác với các nước châu Phi trong các sáng kiến về năng lượng, dịch vụ tài chính, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và chăm sóc sức khỏe. Hội nghị thượng đỉnh năm nay dự kiến sẽ ưu tiên các vấn đề tương tự hội nghị năm 2014 và chú trọng hơn vào các sáng kiến đầu tư và thương mại song phương.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi tại hội nghị dự kiến sẽ công bố các sáng kiến mới nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA), cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Phi từ đại dịch COVID-19, thúc đẩy an ninh lương thực và tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế và năng lượng tái tạo của châu lục. Hội nghị cũng sẽ luận bàn các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine.
Đại sứ Ai Cập tại Mỹ Motaz Zahran cho biết Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi dự kiến sẽ triển khai các kết quả của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) do Ai Cập đăng cai tổ chức hồi tháng 11 bằng cách thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần này là cơ hội để Washington làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác mà Washington có được tại khu vực. “Chúng tôi sẽ tập trung vào nỗ lực tăng cường mối quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực, trải dài từ kinh doanh, y tế đến hòa bình và an ninh nhưng trọng tâm của chúng tôi sẽ là châu Phi” - ông Pierre tuyên bố.
Để đạt được mục tiêu đó, giới chức Nhà Trắng nói rằng “nhiều sáng kiến lớn” sẽ được đưa ra trong suốt thời gian diễn ra hội nghị. Trong một thông báo quan trọng về hội nghị được đưa ra hôm 9-12, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden tại hội nghị sẽ tuyên bố ủng hộ việc AU trở thành thành viên thường trực của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới
nổi (G20).
Trong 2 năm đầu nắm quyền, Tổng thống Biden dành phần lớn thời gian để cố gắng xoa dịu những nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của Mỹ sau 4 năm thực hiện chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Giới phân tích cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để ông Biden xoa dịu những lo ngại ở châu Phi về việc liệu Washington có nghiêm túc trong việc thúc đẩy quan hệ giữa 2 bên hay không. Tuy nhiên, nỗ lực thu hút các quốc gia châu Phi xích lại gần Mỹ của ông Biden diễn ra vào thời điểm phức tạp trong bối cảnh hoạt động của Trung Quốc và Nga tại khu vực trở thành mối quan ngại nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ và châu Phi.
Trong chiến lược châu Phi cận Sahara được công bố hồi tháng 8, chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo rằng Trung Quốc, quốc gia đã bơm hàng tỉ USD vào năng lượng, cơ sở hạ tầng và các dự án khác tại châu Phi, coi khu vực là “đấu trường” nơi Bắc Kinh có thể “thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy lợi ích thương mại và địa chính trị, làm suy yếu tính minh bạch và sự cởi mở”. Chính quyền ông Biden cũng lập luận rằng Nga coi khu vực là môi trường để các nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin và các công ty quân sự tư nhân gây bất ổn vì lợi ích tài chính và chiến lược của Mát-xcơ-va.
Song, giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng những lo ngại về Trung Quốc và Nga sẽ không phải là trọng tâm của hội nghị. “Mỹ ưu tiên thúc đẩy quan hệ với châu Phi vì lợi ích chung và quan hệ đối tác trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu. Một lần nữa, chúng tôi rất ý thức về lịch sử Chiến tranh Lạnh cũng như về tác động của chủ nghĩa thực dân đối với châu Phi và chúng tôi hết sức nỗ lực nhằm tìm cách tránh lặp lại một số sai lầm của những thời kỳ trước đó” - Molly Phee, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi, phát biểu trước báo giới.