27/03/2020 - 18:31

Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới 

Vượt qua Trung Quốc và Ý, Mỹ hiện là “tâm điểm” của dịch COVID-19 trên toàn cầu khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này tăng lên hơn 85.000 trường hợp với trên 1.300 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh được dự báo ngày càng tồi tệ hơn khi thiếu hụt vật tư y tế trở thành vấn đề cấp bách quốc gia.

Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại một bệnh viện ở New York. Ảnh: AFP

 

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm ngoái, Trung Quốc đến nay ghi nhận hơn 81.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và khoảng 3.300 ca tử vong, tiếp theo là Ý với hơn 80.000 ca mắc bệnh và trên 8.200 ca tử vong. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo quỹ đạo dịch bệnh tại Mỹ đang tiến triển nguy hiểm khi số ca dương tính SARS-CoV-2 vẫn tăng lên từng ngày. Chỉ trong ngày 26-3, nước này đã ghi nhận thêm 14.000 trường hợp nhiễm bệnh mới. Riêng “vùng nóng” New York có 6.448 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca mắc bệnh ở bang này lên 37.258 và 385 người tử vong. Đặc biệt, số cuộc gọi y tế khẩn cấp của thành phố New York đã vượt qua tổng số cuộc trong vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 khi có tới hơn 6.400 cuộc chỉ trong ngày 24-3.

Nghiên cứu của Đại học Washington ước tính đại dịch COVID-19 có thể giết chết khoảng 38.000 đến 162.000 người tại Mỹ trong 4 tháng nữa khi các bệnh viện được dự báo “thất thủ” kể từ giữa tháng 4. Tổng thống Donald Trump gần đây đã phải đề nghị sự trợ giúp từ các quốc gia khác cho nguồn cung vật tư y tế để chống chọi đại dịch COVID-19. Tại ổ dịch New York, chính quyền tiểu bang mới đây còn phê duyệt giải pháp cho phép hai bệnh nhân dùng chung một máy thở.

Các chuyên gia cho biết tình hình tại Mỹ sở dĩ ngày càng xấu đi là vì dịch bệnh bùng phát cùng lúc ở khắp các tiểu bang trong khi hệ thống y tế nước này bắt đầu có dấu hiệu quá tải do thiếu hụt trầm trọng dụng cụ lẫn y bác sĩ. Ngoài ra, theo Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard Ashish Jha, nguồn lực xét nghiệm còn hạn chế dẫn đến rất nhiều ca nhiễm ở Mỹ chưa được xác định, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, chính quyền 21 tiểu bang và địa phương ở Mỹ đã ban hành lệnh hạn chế đi lại. Với gần một nửa dân số bị buộc phải ở nhà, Bộ Lao động Mỹ hôm 26-3 cho biết số người nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tuần rồi đã tăng lên mức kỷ lục khoảng 3,28 triệu người - gần gấp 5 lần so với mức đỉnh 695.000 trong cuộc suy thoái năm 1982. Làn sóng sa thải đang càn quét qua các lĩnh vực từ dịch vụ, thực phẩm, chuỗi bán lẻ đến vận tải khi những doanh nghiệp “không thiết yếu” phải đóng cửa theo lệnh và nhiều nơi bắt đầu cho nhân viên nghỉ hàng loạt vì kinh doanh đình trệ.

Trước những tin tiêu cực về kinh tế, Tổng thống Trump tại cuộc họp báo hôm 26-3 cho biết tỷ lệ thất nghiệp gia tăng là điều được dự báo với con số thậm chí còn cao hơn. Đầu tuần này, chủ nhân Nhà Trắng để ngỏ khả năng nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển vào ngày 12-4 đồng thời hối thúc doanh nghiệp trong nước mở cửa và người lao động quay lại làm việc bình thường, bất chấp các chuyên gia y tế cảnh báo động thái này ở thời điểm hiện tại vẫn là quá sớm, có thể tạo điều kiện cho virus lây lan và khiến khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.

Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc điện đàm 

Ngày 27-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thảo luận “rất chi tiết” về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump nói: “Trung Quốc đang trải qua và có hiểu biết đáng kể về virus này. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nhau”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc điện đàm, ông Tập đã kêu gọi Trung Quốc và Mỹ đoàn kết để chống dịch.

MAI QUYÊN (Theo The Hill, BBC)

Chia sẻ bài viết