06/08/2022 - 08:55

Mỹ tìm cách cân bằng vấn đề Đài Loan 

MAI QUYÊN (Theo CNBC, AP)

Phản ứng trước các hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh Ðài Loan, Mỹ tuyên bố kéo dài thời gian hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Ðông, nhưng đồng thời cho hoãn vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đã lên lịch trước.

Bà Pelosi gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 5-8. Ảnh: Reuters

Ngày 4-8, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby thông báo tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tàu hộ tống sẽ ở lại Biển Ðông “lâu hơn dự kiến ​​ban đầu” để theo dõi tình hình. Các chuyến quá cảnh của lực lượng Mỹ qua eo biển Ðài Loan vẫn được thực hiện như thường lệ, đảm bảo tự do hàng hải và ổn định khu vực.

Bên cạnh việc tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, ông Kirby cho biết Lầu Năm Góc đã dời lịch phóng thử tên lửa Minuteman III theo kế hoạch tiến hành trong tuần này. Hồi tháng 4, quân đội Mỹ cũng hủy một vụ thử Minuteman III nhằm giảm căng thẳng hạt nhân với Nga khi xung đột tiếp diễn ở Ukraine. Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, ông Kirby khẳng định vụ phóng thử ICBM bị hoãn không làm suy yếu khả năng sẵn sàng hạt nhân của Mỹ. Thay vào đó, quyết định lần này thể hiện trách nhiệm của Mỹ trên tư cách cường quốc hạt nhân thông qua việc giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm khi Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự “gây bất ổn” quanh Ðài Loan.

Mỹ - Trung “khẩu chiến”

Theo các nhà phân tích, hai thông báo của Nhà Trắng cho thấy cách tiếp cận của Mỹ vừa nâng cao cảnh giác quân sự vừa hạn chế cơ hội Trung Quốc tiếp tục có cớ tăng cường hành động khiêu khích trong khu vực. Ðộng thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 cường quốc leo thang đáng kể, một phần liên quan chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Ðài Loan. Ngày 5-8, bà Pelosi đã đến Nhật Bản trong chặng cuối cùng của chuyến công du châu Á. Tuy không bình luận trực tiếp về các cuộc tập trận của Trung Quốc, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố Washington không để Bắc Kinh cô lập Ðài Loan. Mặt khác, bà xác định chuyến đi của phái đoàn Quốc hội Mỹ không nhằm “thay đổi hiện trạng” khu vực. Bà cũng cho biết Mỹ muốn tìm “điểm chung” với Trung Quốc trong các vấn đề từ nhân quyền đến biến đổi khí hậu.

Nhưng trong loạt bình luận trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mô tả hành động “phá hoại” của bà Pelosi cho thấy bản chất của Mỹ là “kẻ gây rối lớn nhất” đối với ổn định khu vực. Bà Hoa cũng chỉ trích Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng Liên minh châu Âu (EU) sau tuyên bố của họ lên án những hành động của Trung Quốc chống lại Ðài Loan. Ðáp lại, ông Kirby nói rằng chỉ có Trung Quốc “mới là bên khiêu khích” trong căng thẳng hiện nay khi coi chuyến thăm của đoàn Quốc hội Mỹ là cớ để gia tăng hoạt động quân sự trên eo biển Ðài Loan. Phát biểu ở Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 55 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Ðông Á của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) tại Campuchia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng ở eo biển Ðài Loan. Mặc dù không quá tin vào khả năng Trung Quốc sớm chấm dứt các hành động leo thang quân sự, nhưng các quan chức Nhà Trắng tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh “không phản ứng thái quá” trước nguy cơ gây ra tính toán sai lầm dẫn đến xung đột.

Trung Quốc đã triển khai nhiều chiến đấu cơ, đội tàu khu trục và phóng tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận bắn đạn thật gần Ðài Loan, một ngày sau khi bà Pelosi tới vùng lãnh thổ này. Theo nhà phân tích cấp cao Amanda Hsiao tại tổ chức tư vấn an ninh Crisis Group, phản ứng của Trung Quốc không gây bất ngờ khi họ đang muốn củng cố và phô trương sức mạnh quân sự. Nhưng với tín hiệu cân bằng không kích động thêm từ Mỹ gần đây, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục chứng tỏ họ không yếu thế nhưng có thể điều chỉnh hoạt động quân sự để tránh leo thang thành xung đột lớn hơn.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ của Cục Ðiều tra Liên bang (FBI), người đứng đầu cơ quan này Christopher Wray xác định Trung Quốc là “mối đe dọa nước ngoài đáng kể nhất” mà Washington phải đối mặt trong thập kỷ tới. Trong đó, ông lưu ý Bắc Kinh đang nỗ lực để sở hữu và kiểm soát công nghệ lưỡng dụng, đồng thời phát triển kho vũ khí số tiên tiến có thể dùng để chống lại các quốc gia khác khi xảy ra xung đột trong thế giới thực.

Chia sẻ bài viết