Thông qua việc hỗ trợ Úc cải thiện khả năng phòng thủ, thúc đẩy sự hiện diện của châu Âu ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương cùng với chiến lược tăng cường ủng hộ Ðài Loan, Mỹ và đồng minh đang cho thấy cách tiếp cận ngày càng quyết đoán trước Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Biden (phải) gặp Thủ tướng Úc Scott Morrison bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 21-9. Ảnh: Getty Images
Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Úc). Cuộc họp diễn ra tại Nhà Trắng dự kiến tập trung vào chiến lược vì một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Theo tinh thần hội nghị trực tuyến hồi tháng 3, giới quan sát dự đoán các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ tiếp tục thúc đẩy cam kết trong phân phối vaccine COVID-19 và chống biến đổi khí hậu. Các bên có khả năng còn bàn cách giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng; hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi.
Vấn đề Ðài Loan cũng có thể được đưa vào chương trình nghị sự. Từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đến chính quyền Biden hiện nay, Mỹ liên tục tăng cường quan hệ với Ðài Bắc. Úc và Nhật Bản đều ủng hộ Washington bảo vệ vùng lãnh thổ này trước bất kỳ hành động gây hấn nào từ Trung Quốc. Vốn thận trọng trong vấn đề Ðài Loan, Ấn Ðộ hồi tháng 8 cũng lần đầu tiên cho thấy sự liên kết chặt chẽ với các thành viên còn lại khi tuyên bố chung sau cuộc họp cấp cao của Bộ tứ nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình, an ninh ở eo biển Ðài Loan”.
Gắn kết đồng minh châu Á
Hội nghị của nhóm Bộ tứ diễn ra một tuần sau khi Mỹ, Anh và Úc công bố hiệp ước an ninh mới mang tên AUKUS với trọng điểm hỗ trợ Canberra phát triển tàu ngầm hạt nhân. Ben Scott, chuyên gia cấp cao tại Viện Lowy (Úc), cho rằng thỏa thuận AUKUS thể hiện chiến lược của các nền dân chủ nói tiếng Anh ở châu Á nói chung và là bước đi tích cực trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở khu vực nói riêng. Tiếp tục mở rộng hợp tác với Nhật Bản và Ấn Ðộ thông qua Bộ tứ, chuyên gia này dự đoán Washington có thể đa dạng hóa sự hiện diện trong khu vực, không chỉ tập trung vào quân sự mà còn về kinh tế, chính trị.
Ông Scott cho biết điều quan trọng với Mỹ hiện nay là Bộ tứ phải đạt được các thỏa thuận “tích cực và bao trùm” ở châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, hành động phối hợp giữa Úc - Nhật - Ấn còn khá bấp bênh nhưng các nước đều tỏ ra trực tiếp hơn trong vấn đề Trung Quốc. Lấy ví dụ thỏa thuận phát triển tàu ngầm hạt nhân, chuyên gia Euan Graham của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Singapore) đánh giá đây là tín hiệu rõ nhất về nỗ lực của Canberra hợp tác lâu dài với Mỹ trong chính sách đối phó Trung Quốc. Tương tự, Nhật Bản chủ trương đối thoại với Bắc Kinh nhưng cũng sẵn sàng chống lại tham vọng của cường quốc châu Á trong khu vực bằng việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington.
Về phần mình, Ấn Ðộ được coi là thành viên thận trọng nhất trong Bộ tứ nhưng cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc hồi năm 2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng đã khiến chính quyền Thủ tướng Narendra Modi “miễn cưỡng” cứng rắn trước Bắc Kinh. Ðây cũng là động lực để Ấn Ðộ xích lại gần Mỹ thông qua việc tăng cường tập trận quân sự, mua bán vũ khí, trao đổi thương mại và chuyển giao công nghệ. Theo chuyên gia Bonnie Glaser, New Delhi là nhân tố quan trọng và mức độ sẵn sàng hợp tác quân sự của Bộ tứ có thể phụ thuộc vào quốc gia Nam Á này. Ngoài ra, hành vi của Bắc Kinh cũng là yếu tố quyết định liệu 4 nền dân chủ có sẵn sàng tham gia sâu và tạo cú hích chiến lược trong khu vực.
Chuyên gia phân tích Malcolm Davis của Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng cách tiếp cận của Bộ tứ trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. So với lúc thành lập năm 2007, nhóm này đang tìm kiếm một vị thế vững chắc hơn khi ngoại giao và an ninh khu vực thay đổi rõ rệt. Từ khuôn khổ cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo, nhóm đã phát triển thành một bên quan trọng về chính trị lẫn kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương. “Bộ tứ không phải là liên minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở châu Á, nhưng rõ ràng các thành viên đang đi theo hướng tiếp cận hợp tác về an ninh” - ông Davis đánh giá.
MAI QUYÊN (Theo AP, Aljazeera)