Trong nỗ lực được Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ nhằm ngăn chặn dòng tiền của CHDCND Triều Tiên, Mỹ hôm 14-1 đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hai công ty liên quan hoạt động xuất khẩu lao động Triều Tiên.

Công nhân Triều Tiên làm việc tại một công trình xây dựng ở Mông Cổ. Ảnh: AFP
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đình trệ gần một năm qua do bất đồng giữa hai bên về mức độ phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc nới lỏng trừng phạt cùng những nhượng bộ tương ứng từ phía Washington.
Theo AFP, lệnh trừng phạt được Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lần này là nhằm vào Tập đoàn Thương mại Korea Namgang, công ty của Triều Tiên mà Washington cho là đang duy trì lao động ở Nga, Nigeria và Trung Đông. Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Beijing Sukbakso, công ty Trung Quốc chuyên cung cấp dịch vụ lưu trú và chuyển tiền cho lao động Triều Tiên, vào danh sách đen. “Việc xuất khẩu lao động Triều Tiên làm tăng thu nhập bất hợp pháp cho chính phủ nước này, vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong một tuyên bố cho biết. Theo lệnh trừng phạt mới, Bộ Tài chính Mỹ phong tỏa tài sản và các lợi ích của 2 công ty nói trên tại Mỹ, đồng thời cấm tất cả các cá nhân và thực thể Mỹ giao dịch với 2 công ty này. Những cá nhân hoặc thể chế tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ cho 2 công ty Triều Tiên cũng có nguy cơ chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo nghị quyết 2397 được Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua hồi tháng 12-2017, các nước thành viên LHQ hạn chót đến ngày 22-12-2019 phải cho tất cả các lao động Triều Tiên hồi hương. Song, tính đến tháng 9 năm ngoái, chỉ có 42 quốc gia thành viên LHQ đệ trình báo cáo về việc cho công dân Triều Tiên hồi hương.
Giải thích lý do nghị quyết 2397 được thông qua, Hội đồng Bảo an LHQ cho biết, họ lo ngại rằng các công dân Triều Tiên làm việc tại các quốc gia khác với mục đích tạo ra nguồn thu quốc tế mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sử dụng để duy trì quyền lực cũng như chi trả cho các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân bị cấm.
Giới chức Mỹ cho biết, trong năm 2017, Triều Tiên có khoảng 100.000 lao động ở nước ngoài, mang về cho Bình Nhưỡng khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Họ chủ yếu làm việc ở Trung Quốc, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Mông Cổ và Đông Âu. Một báo cáo sơ bộ của các quốc gia thành viên gởi cho LHQ hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy đã có 23.245 lao động Triều Tiên bị trả về nước. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa công bố báo cáo của mình. Theo ước tính, ở Trung Quốc có thể có từ 50.000-80.000 lao động Triều Tiên, chủ yếu tại khu vực Đông Bắc giáp với Triều Tiên. Chính quyền trung ương tại Bắc Kinh được cho khó thuyết phục chính quyền địa phương trục xuất lao động Triều Tiên làm việc tại các đặc khu kinh tế nhỏ vốn phụ thuộc nguồn nhân lực giá rẻ từ bên kia biên giới.
Tại cuộc gặp ở California hôm 14-1, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết ba bên đã nhất trí về vai trò quan trọng của quan hệ đồng minh giữa Mỹ, Nhật, Hàn đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tại cuộc họp, ba bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Hàn-Nhật để đạt được mục tiêu chung là giải quyết hoàn toàn vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như hòa bình và ổn định khu vực.
HOÀNG NAM (Theo AFP, NK News)