09/10/2019 - 14:56

Mỹ rút quân khỏi biên giới Syria 

Tuyên bố mới của Tổng thống Donald Trump về việc rút lực lượng đặc nhiệm Mỹ khỏi miền Bắc Syria đang dấy lên phản ứng trái chiều từ lưỡng đảng quốc hội lẫn các nước đồng minh.

Lực lượng Mỹ tại vùng Đông Bắc Syria bắt đầu rút quân từ hôm 7-10. Ảnh: AP

Lực lượng Mỹ tại vùng Đông Bắc Syria bắt đầu rút quân từ hôm 7-10. Ảnh: AP

Hồi tháng 8, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập vùng đệm và “hành lang hòa bình” ở miền Bắc Syria nhằm giải quyết mối lo an ninh. Nhưng trong cuộc điện đàm mới đây, AP cho biết Tổng thống Erdogan cảnh báo kế hoạch “vùng an toàn” không hiệu quả. Đáp lại, ông Trump nói rằng Washington không muốn bị kéo vào một cuộc xâm lược và sẽ rút đặc nhiệm Mỹ gần biên giới vốn chịu trách nhiệm ngăn Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang Syria. Theo Telegraph, Mỹ hôm 7-10 đã rút khoảng 1.000 binh sĩ khỏi hai thị trấn biên giới và nhiều khả năng rời khỏi Syria nếu chiến sự lan rộng.

Quyết định này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ; đồng thời mở đường cho Ankara tấn công Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd dẫn đầu - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel cảnh báo. Những năm qua, Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria được Lầu Năm Góc hậu thuẫn chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đã chịu tổn thất 11.000 tay súng. Nhưng với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG bị xem là nhánh khủng bố liên quan đảng Công nhân người Kurd.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ trích Tổng thống Trump “phản bội” phe từng là đồng minh chỉ để xoa dịu ông Erdogan. Theo bà, hành động này không chỉ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định khu vực mà còn gửi “thông điệp nguy hiểm” tới Iran, Nga cũng như các nước đồng minh rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy.

Tuyên bố của lãnh đạo đảng Dân chủ cũng đại diện cho nhiều nhà lập pháp khác, bao gồm những nhân vật chủ chốt trong đảng Cộng hòa. Theo lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, Mỹ rút quân sẽ có lợi cho Nga, Iran, chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tạo cơ hội để IS hồi sinh. Ông cảnh báo Quốc hội Mỹ có thể trừng phạt và cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ xâm nhập quốc gia láng giềng. Một số nhân vật luôn ủng hộ ông Trump như cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cũng xem đây là “sai lầm nghiêm trọng”, trong khi Thượng nghị sĩ Lindsey Graham kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ tiến vào Syria.

Trước phản ứng của quốc hội, Nhà Trắng khẳng định động thái mới không đồng nghĩa rút tất cả lực lượng khỏi Syria cũng như không “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang nước láng giềng. Trong nỗ lực trấn an, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ “phá hủy và triệt tiêu hoàn toàn” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara “vượt giới hạn”. Tuy vậy, chủ nhân Nhà Trắng kiên quyết bảo vệ quyết định rút quân khi nói rằng duy trì ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria là “quá tốn kém”. Theo ông Trump, người Kurd thật ra đã được trả khoản tiền lớn cùng trang thiết bị để chiến đấu cùng Mỹ chống IS. Tuy bị Quốc hội Mỹ chỉ trích là “nói dối” khi tuyên bố IS bị đánh bại, nhưng ông Trump hôm 7-10 lần nữa khẳng định đã đến lúc Washington rút khỏi “cuộc chiến không hồi kết” và đưa quân về nước.

Theo giới quan sát, ông Trump ra quyết định về Syria giữa lúc phe Dân chủ thúc đẩy cuộc điều tra luận tội cho thấy lãnh đạo Mỹ muốn chuyển sự tập trung sang việc thực hiện tốt các cam kết chính trị, dù hành động này đang gửi tín hiệu đáng lo ngại đến các đồng minh châu Âu. Trước đó, ông Trump tỏ ra không hài lòng khi Washington phải trả tiền để giam giữ hàng ngàn tay súng IS bị bắt và yêu cầu Đức, Anh và Pháp phải nhận lại tù binh là công dân nước mình.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết